Ứng dụng khoa học công nghệ phải gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (giai đoạn 2016 - 2025), thực hiện theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. Qua 5 năm triển khai, hầu hết dự án ứng dụng KHCN đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt mang lại hiệu quả xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn miền núi, từng bước góp phần bảo vệ môi trường.

 Hàng nghìn công nghệ mới được chuyển giao

Theo đại diện Bộ KHCN, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế xã hội (KTXH), quốc phòng, an ninh, đồng thời có tiềm năng rất lớn cần được tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển của nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiện chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KHCN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Theo Thứ trưởng Bộ KHCN - ông Nguyễn Hoàng Giang, hiện vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của cả nước và là địa bàn sinh sống chủ yếu của 12,3 triệu người thiểu số (chiếm 14,27% dân số cả nước). Đây là vùng có vị trí trọng yếu, địa bàn chiến lược, vùng biên cương phên dậu của quốc gia, vùng có tầm quan trọng đặc biệt về phát triển KHXH, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước.

Qua 5 năm thực hiện chương trình đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả KTXH thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KHCN vào sản xuất và thúc đẩy phát KTXH khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đã có 400 dự án được phê duyệt triển khai trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 3.000 tỉ đồng. Các dự án hỗ trợ chuyển giao được triển khai trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến... Các tỉnh đã xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KTXH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vượt kế hoạch đề ra. Các dự án thuộc chương trình chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề chính là chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển KTXH của địa phương.

Cùng với đó, thông qua thực hiện dự án đã đào tạo được trên 1.800 học viên về phương pháp xác định nội dung dự án triển khai; phương thức tổ chức quản lý, điều hành thực hiện dự án; phương pháp triển khai thực hiện dự án; quản lý tài chính cho các dự án; phương pháp duy trì và nhân rộng kết quả của dự án. Tập huấn cho 1.650 học viên về các quy định về tài chính, kế toán, hướng dẫn công tác quản lý và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án. Đã đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên và tập huấn cho 78.610 người dân về công nghệ chuyển giao cho các dự án.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình gặp phải những khó khăn, hạn chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản; khó khăn về tài chính; công tác phối hợp, quản lý dự án; việc duy trì, nhân rộng mô hình, dự án. Theo Thứ trưởng Bộ KHCN - Nguyễn Hoàng Giang, vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số thường được biết đến với 5 cái nhất gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KTXH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ nghèo cao nhất. Do đó, rất cần sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KHCN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, nông thôn, miền núi và vùng dân tộc không thể phát triển và thoát nghèo nếu không hướng tới CNH-HĐH và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KHCN, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, bảo hiểm sản xuất và tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa. Việc đưa KHCN vào phát triển sản xuất, đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số góp phần quan trọng ổn định an ninh, chính trị cho các địa bàn trọng yếu của quốc gia.

Nhằm đưa nhanh được tiến bộ KHCN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Trong những năm qua, Bộ KHCN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi. Hiện chương trình đã được triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn, bắt đầu kể từ năm 1998. Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi có công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KHCN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống...

Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Trong những năm qua, KHCN vào phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số. Cụ thể tại tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020 đã triển khai 11 dự án KHCN với tổng kinh phí trên 114 tỉ đồng. Các dự án đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đào tạo tập huấn cho người dân. Nhiều dự án hiệu quả cao như: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng” do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sinh vật cảnh Hoàng Linh chủ trì thực hiện. Trước khi có dự án, người dân chỉ canh tác rau theo mùa vụ, manh mún. Sau khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng 180-220%. Dự án mang lại lợi nhuận cho công ty khoảng 350 triệu/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, thu nhập từ 9-15 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương, KHCN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao, bình quân ước đạt 13,5%. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện theo hướng bền vững trên cơ sở thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi dần được cải thiện, sung túc hơn. Cũng theo ông Lê Ánh Dương, xác định phát triển công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là trụ đỡ, vì vậy mong muốn thời gian tới Bộ KHCN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực hiện hiệu quả các dự án để nhân rộng trong thực tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được giải quyết như các văn bản thực hiện gây khó khăn cho các đơn vị chủ trì dự án. Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính hàng năm nhu cầu đề xuất thực hiện dự án của các địa phương là khoảng 154 dự án/năm nhưng do nguồn kinh phí từ Ngân sách Sự nghiệp KHCN Trung ương bố trí còn hạn chế nên chỉ phê duyệt được khoảng 80 dự án/năm... Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, bên cạnh những thành tích đạt được, cần phải nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại để khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua và trong giai đoạn tới cần tập trung vào 4 nội dung lớn, cụ thể như tập trung tổ chức các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch, mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái... vẫn còn hạn chế. Do đó, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực phù hợp hơn; Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức chủ trì, tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ để triển khai dự án đạt kết quả tốt hơn; bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn tới, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện các dự án phù hợp với chủ trương phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương. Góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công các dự án...

Các tin khác