Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tuy không phải là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh, nhưng Quảng Bình có tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện khá cao.

Nếu như năm 2010, điện thương phẩm toàn tỉnh là 411,4 triệu kWh, thì đến năm 2015, tổng điện thương phẩm là 804,1 triệu kWh, tăng 14,3%/năm. Trong đó, thành phần công nghiệp, xây dựng, năm 2010 tiêu thụ 181,5 triệu kWh (chiếm 48,3%), đến năm 2015 tiêu thụ 444,1 triệu kWh (chiếm 55,2%), tăng 19,6%/năm.

Theo dự báo, với tốc độ gia tăng mức khai thác các dạng năng lượng như hiện nay, thì đến cuối thế kỷ 21, có khả năng các nguồn năng lượng ở Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm. Vì vậy, việc thực hiện tiết kiệm năng lượng là vô cùng cần thiết và cấp bách ngay từ bây giờ.

Qua tìm hiểu và trao đổi về vấn đề này với thạc sỹ Phan Thanh Hà, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm Quảng Bình (Sở Khoa học và Công nghệ) được biết, ngày 22-8-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2318/QĐ-UBND về việc phê duyệt các nhiệm vụ sự nghiệp khoa học cấp tỉnh năm 2015-2017. Trong đó, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm (KT ĐL TN) được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ “Kiểm định, kiểm toán năng lượng và đề xuất các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đến thời điểm này, Trung tâm KT ĐL TN Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã thực hiện kiểm toán năng lượng tại 10 doanh nghiệp sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm toán đã đánh giá được tình trạng sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp, xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp, kèm với phân tích chi tiết hiệu quả và thời gian thu hồi vốn của từng giải pháp.

Để các giải pháp này được áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi xin giới thiệu một số nhóm giải pháp chủ yếu mà thạc sỹ Phan Thanh Hà cùng các cộng sự đã nghiên cứu trong thời gian qua:

Thứ nhất, giải pháp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Các cơ quan truyền thông cần dành thời lượng để thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng và kết quả kiểm toán năng lượng đối với các cơ sở được kiểm toán. Thông qua đó, doanh nghiệp và người dân sẽ nhận thức được vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng cho doanh nghiệp và gia đình mình.

Thứ hai, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001: ISO 50001 đã được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) công bố ngày 15-6-2011. Đây là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý năng lượng và là một công cụ quản lý năng lượng hữu hiệu trong các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tiết kiệm được chi phí năng lượng => giảm chi phí sản xuất => tăng tính cạnh tranh; giảm phát thải mà không gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành; chủ động kiểm soát chi phí năng lượng; tạo hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh và sạch đối với công chúng, đối tác kinh doanh, khách hàng và nhà nhập khẩu...

Thứ ba, giải pháp đối với người sử dụng năng lượng: Bố trí sản xuất hợp lý để tận dụng cơ chế điện 3 giá, dựa vào yêu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể sắp xếp, bố trí lịch ngừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất vào giờ cao điểm, tập trung hoạt động giờ thấp điểm, hoặc giảm một số phụ tải sử dụng điện hoạt động vào giờ cao điểm chuyển sang làm việc giờ thấp điểm.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến toàn thể cán bộ nhân viên doanh nghiệp. Trong thực tế, đây là những giải pháp không cần chi phí đầu tư, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thiết bị/dây chuyền công nghệ nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm năng lượng cho chính doanh nghiệp. Nhóm giải pháp này bao gồm việc thay đổi hợp lý thao tác trong vận hành, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, sắp xếp ngăn nắp nhà xưởng, áp dụng các biện pháp đơn giản như khống chế cố định nhiệt độ của điều hòa, tắt đèn, cắt điện cho thiết bị khi không sử dụng...

Thứ tư, giải pháp đối với thiết bị/dây chuyền công nghệ: Trước hết là các giải pháp đối với hệ thống chiếu sáng: Trong khu vực nhà xưởng, thực hiện biện pháp tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng các tấm tôn nhựa trong suốt để tận dụng ánh sáng tự nhiên.

Thay thế đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10 chấn lưu điện từ bằng bóng đèn led tube. Đây là loại thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường, giảm bớt sự phát tán nhiệt, tiêu tốn ít điện năng hơn các bộ đèn truyền thống và giảm tải nhiệt cho máy lạnh, hoạt động ngay cả trong trường hợp điện áp thấp, bảo vệ tuổi thọ cho bóng đèn và dễ lắp đặt, thay thế. Ngoài ra, led là loại có hàm lượng các chất độc hại (chì, thủy ngân, cd) sử dụng ít nhất. Nếu so sánh cùng quang thông thì loại led tube tiết kiệm lên đến 50% so với sử dụng bóng huỳnh quang T10.

Đối với các xưởng có tiết diện mái rộng như Xí nghiệp may Hà Quảng thì nên lắp hệ thống lấy ánh sáng mặt trời tự nhiên Solatube. Hệ thống này được gọi là ống dẫn ánh sáng, với các đoạn ống có đường kính 475mm được lắp đặt trên mái các khu nhà xưởng. Phía trên của ống ánh sáng này là một tấm nhựa acrylic trong suốt, hình cầu lồi có tác dụng khuyếch tán ánh sáng. Các bề mặt bên trong ống dẫn được thiết kế để phản xạ ánh sáng và chiếu xuống tòa nhà phía dưới. Các ống ánh sáng này tạo ra nguồn ánh sáng có cường độ tương đương với bóng đèn huỳnh quang.

Tiếp theo là giải pháp sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời để nấu ăn: Đối với các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể thì việc sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời để nấu ăn thực sự đem lại hiệu quả. Nước có thể được đun nóng tự nhiên lên đến 70oC nhờ ánh sáng mặt trời, do đó cần rất ít năng lượng như than hay điện để nấu ăn. Nếu đầu tư hệ thống này thì nhờ tiết kiệm năng lượng nên trong vòng 2 năm có thể thu hồi được vốn đầu tư.

Giải pháp đối với động cơ: Trong thực tế, động cơ xoay chiều là thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong các nhà máy, xí nghiệp. Thông thường các nhà thiết kế luôn trang bị động cơ máy lớn hơn mức độ cần thiết để tăng độ an toàn của máy. Nhưng, trong quá trình làm việc rất ít khi động cơ hoạt động ở chế độ đầy tải, thông thường dao động từ 20% tới 80% tải định mức; 70% động cơ trang bị trong các dây chuyền sản xuất hoạt động với tải thay đổi từ 20% tới 80%. Vấn đề tồn tại là động cơ điện không tự điều chỉnh được điện năng tiêu thụ theo mức độ tải hoạt động thay đổi. Để cải thiện được vấn đề này, hiện nay trên thị trường có 2 giải pháp thực sự hiệu quả đó là lắp thêm biến tần hoặc poweboss cho động cơ.  

Giải pháp bảo dưỡng thiết bị định kỳ: Định kỳ 3 tháng, phòng kỹ thuật của doanh nghiệp tổ chức bảo trì bảo dưỡng các thiết bị trong dây chuyền. Công việc này không chỉ làm tăng tuổi thọ của động cơ, làm giảm chi phí thay thế khi động cơ hư hỏng, mà nó còn giúp cho dây chuyền vận hành một cách nhẹ nhàng, làm giảm lực ma sát của các băng tải, hộp bi, làm tiết kiệm điện năng một cách đáng kể...

Nguồn: http://baoquangbinh.vn

Các tin khác