Vai trò tiêu chuẩn trong việc gỡ bỏ rào cản thương mại cho sản phẩm y tế xuất khẩu của Việt Nam

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bài viết nói về vai trò của tiêu chuẩn trong việc gỡ bỏ rào cản thương mại cho các sản phẩm y tế xuất khẩu của Việt Nam.

Tình hình dịch COVID-19 diễn ra tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của Việt Nam và các quốc gia trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về nhóm trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến trong giai đoạn 2020-2021, đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như: khẩu trang y tế, bộ trang phục phòng dịch và găng tay y tế (PPE). Theo ước tính của WHO, đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Tại Việt Nam, đến cuối năm 2021 có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, như: Khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Theo các báo cáo của các doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm PPE để xuất khẩu. Cụ thể, trước dịch COVID-19 lượng PPE từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ khá khiêm tốn khi cả năm 2019 chỉ đạt 59 triệu USD. Tuy nhiên do nhu cầu chống dịch, nhu cầu sản phẩm đã tăng khoảng 20 lần, quy mô thị trường sản phẩm PPE của thế giới tương đương 1.000 tỉ USD và Việt Nam đang nổi lên là một trong những nhà cung cấp hàng đầu.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện khảo sát và thực hiện các vòng tham vấn khác nhau về sản xuất PPE trong nước, ba vấn đề liên quan đến việc sản xuất nhóm sản phẩm PPE đã được Bộ Y tế đưa ra trong báo cáo trình Chính phủ trong giai đoạn 2019-2020 về chất lượng các sản phẩm PPE là: chất lượng PPE thấp và chất lượng bộ tiêu chuẩn hiện tại còn nhiều tồn tại và có nhiều sự khác biệt so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ … Điều này thúc đẩy nhu cầu phải có một bộ tiêu chuẩn và quy định mới để PPE tương đương với các thông số kỹ thuật quốc tế mà WHO khuyến cáo.

Với sự tài trợ của của Tổ chức Liên hợp quốc UNDP, đội ngũ cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ dưới dự hỗ trợ của hai chuyên gia quốc tế ông Patrick Hoet và ông Brymor Jonh (Chuyên gia quốc tế do UNDP cử hỗ trợ chương trình với Bộ Y tế Việt Nam…) để xây dựng bộ tiêu chuẩn mới về khẩu trang y tế, bộ trang phục phòng chống dịch và găng tay y tế nhằm bảo vệ người dân và lực lượng y, bác sỹ cũng như hướng tới xuất khẩu. Sau 13 tháng triển khai (tháng 10/2020), ngày 22/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định số 2992/QĐ-BKHCN về việc ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia cho nhóm sản phẩm PPE với danh mục như sau:

Bộ 13 tiêu chuẩn vừa được phê duyệt và đưa vào áp dụng năm 2021 có ý nghĩa quan trọng bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp. Việc 13 tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành với các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với các tiêu chuẩn EN (EU) và ASTM (Mỹ) đã hoàn toàn đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu và hội nhập thị trường quốc tế của các Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm PPE, nâng cao cơ hội phát triển  cho các sản phẩm PPE của Việt Nam, đồng thời là bước đệm cho việc nghiên cứu và phát triển thị trường cho các sản phẩm trang thiết bị y tế nói chung của Việt Nam, phù hợp với đề án phát triển sản xuất trang thiết thị y tế của Việt Nam đến năm 2030 đang được Bộ Y tế xây dựng và đề xuất lên chính phủ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…) nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm, và là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu, vì vậy các quốc gia cần phải đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế. Nói cách khác, tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia.

Tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch và thương mại giữa các nước và trong trao đổi quốc tế. Tiêu chuẩn hỗ trợ cho thị trường và thúc đẩy các giao dịch có hiệu quả để đáp ứng các mục tiêu liên quan đến các vấn đề sức khoẻ, an toàn và môi trường, phản ánh nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hoặc phản ánh các yêu cầu về mặt công nghệ của ngành công nghiệp. Tiêu chuẩn thường được sử dụng làm những điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập các quan hệ giao dịch giữa các đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán. Việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ từng bước gỡ bỏ được các rào cản kỹ thuật về thương mại cho các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm trang thiết bị y tế nói riêng của Việt Nam trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế.

Link bài đăng: https://vietq.vn/rao-can-ky-thuat-doi-voi-trang-thiet-bi-y-te-xuat-khau-cua-viet-nam-d206920.html

Nguồn: vietq.vn

Các tin khác