Hiến kế các giải pháp tổng thể để phát triển Hệ sinh thái

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022, sáng ngày 27/10/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Diễn đàn Gặp gỡ các Trưởng làng Công nghệ Quốc gia, Ra mắt Làng Công nghệ Quốc gia AI tại Huế, Tọa đàm Xây dựng Hệ sinh thái Cố Đô khởi nghiệp.

Diễn đàn chính là bước mở đầu trong việc tạo cầu nối để gặp gỡ, kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia đến với Huế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài.

Đến tham dự Diễn đàn có sự tham gia của các đại biểu, khách mời: Về phía Bộ KH&CN có ông Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Quan Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Thành phố Huế; ông Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Huế; ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN.  Về phía các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có ông Phạm Duy Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KHCN Việt Nam; ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và gần 100 đại biểu, lãnh đạo đại diện các cục, vụ, viện, Bộ KH&CN, Sở KH&CN, các trường, viện nghiên cứu, các Làng Công nghệ và các doanh nghiệp trong vùng và trên cả nước.

Tận dụng “thời điểm vàng” để bứt phá

Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để giải quyết hiệu quả bài toán các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và hiện nay đang là thời điểm vàng để triển khai trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng. Phát huy sức mạnh nội tại và khai thác tối đa tiềm năng, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chương trình, chiến lược hành động đúng theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Thừa Thiên Huế là địa phương dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động phát triển khoa học công nghệ với những điều kiện và tiềm năng của Huế, đây là định hướng rất đúng và được hoạch định trong ý kiến chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm KH&CN lớn của cả nước. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN, trong đó xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một nội hàm quan trọng trong việc thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN. Qua Diễn đàn này, ông Nguyễn Thanh Bình mong muốn các chuyên gia, các địa phương có những ý kiến đóng góp, những hướng đi cụ thể trong Đề án Cố đô Khởi nghiệp nhằm giúp Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian đến.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ, Thừa Thiên Huế có nhiều điểm đặc biệt về văn hóa, tri thức, con người và đó là triết lý để xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Ông Phạm Hồng Quất cho hay, Huế không có nhiều thứ để cạnh tranh với các thành phố lớn về các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, do đó Huế cần tập trung vào thế mạnh đó là con người và nguồn nhân lực, đó là phần năng lượng tích cực nhất. Làm thế nào để đi biến những thế mạnh đó thành các sản phẩm mà thế giới phải khâm phục? Do đó, thông qua Diễn đàn này mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế hình thành nên một hệ sinh thái hấp dẫn, thu hút được trí tuệ tài năng đến từ nhiều nơi khác nhau và đó chính là mô hình Làng Công nghệ với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế. Thông qua Diễn đàn này, mong muốn các thành phần Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng cường tương tác với nhau, đi vào chiều sâu, đi cùng nhau bằng những dự án rất cụ thể để tìm ra nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo cho Huế và cho vùng.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ tại Diễn đàn

Trong khuôn khổ Đề án 844 về Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, qua đó đã kết nối, hội tụ được các nguồn lực, các mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư đến Huế để phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho tỉnh nhà. Với sự quyết tâm, nỗ lực trong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự đạt danh hiệu là một trong ba địa phương tiêu biểu về xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.

Tìm giải pháp để phát triển Hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp

Để Huế trở thành một nơi thu hút hấp dẫn các nhà khởi nghiệp đến Huế, Thứ Trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ: “Tỉnh Thừa Thiên Huế nên quan tâm, tạo ra một không gian sống, một hệ sinh thái khởi nghiệp với những tiện ích đầy đủ để những người giỏi về Huế khởi nghiệp hình thành nên các startup. Sớm hình thành một Khu Công nghệ cao, lấy hạt nhân là trung tâm công nghệ sinh học, từ đó phát triển thêm những vấn đề mới hơn đó là phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái đô thị thông minh... nhưng vẫn phải đảm bảo được thiết kế cấu trúc, giữ nguyên những giá trị, nét đẹp văn hóa Cố đô và kết nối được tính hiện đại trong một quần thể Khu Công nghệ cao”.

Ông Bùi Thế Duy - Thứ Trưởng Bộ KH&CN chia sẻ tại Diễn đàn

Đề xuất về các giải pháp hợp tác, liên kết với các Làng Công nghệ Quốc gia, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với quan điểm Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã “xoay trục” đặt doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động ứng dụng Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đặt ra các “bài toán” cần thiết các doanh nghiệp giải quyết bằng các mô hình công nghệ mới, từ đó kêu gọi các Làng Công nghệ, các startup công nghệ đến Huế khởi nghiệp để cung cấp các giải pháp, giải quyết các nhu cầu đặt ra. Thứ hai, xây dựng mô hình điểm trong việc liên kết các Làng Công nghệ, lựa chọn các loại hình công nghệ ưu tiên, thành lập các Trưởng làng, đồng Trưởng làng Công nghệ tại Huế. Kiến tạo môi trường, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, các giải pháp công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế số tại Huế. Đồng thời tổ chức các Diễn đàn, Triển lãm kết nối cung cầu công nghệ TechConet nhằm phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ cao, hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tham luận đề xuất các giải pháp kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia tại Huế hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp 

Theo ông Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến chuyển giao công nghệ và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Huế cần triển khai một số giải pháp như: Một là, hoàn thiện về chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư khi đến đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao, đủ khả năng tiếp thu công nghệ mới. Chủ động đào tạo lao động có tay nghề chất lượng cao để cung cấp, đón đầu các dự án FDI trọng điểm. Thúc đẩy mối liên kết đào tạo – sử dụng giữa doanh nghiệp FDI và cơ sở đào tạo bằng nhiều hình thức phù hợp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Ba là, hoàn thiện hệ thống hạ tầng các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế; đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để hình thành các Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tính sẵn sàng của nhà nước, đảm bảo tính pháp lý khi kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh nói chung cũng như các dự án FDI nói riêng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao để thu hút nhà đầu tư theo mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Tại Diễn đàn, ông Muhammad Umer - CEO Công ty Cổ phần STI, Trưởng Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo đã hiến kế các giải pháp công nghệ trong xây dựng và phát triển Hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp.

Ông Muhammad Umer - CEO Công ty Cổ phần STI chia sẻ tại Diễn đàn

Trong phần Tọa đàm Xây dựng Hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp, các khách mời, chuyên gia đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh về Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia nói riêng. Qua buổi Tọa đàm đã đánh giá được các thế mạnh, tiềm năng, cơ hội, thách thức và những giải pháp gợi mở cho Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm sao để có thể khai thác tối đa tiềm năng, kết nối hội tụ các nguồn lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là các nguồn lực đến từ các Làng Công nghệ Quốc gia để tạo ra nhiều giải pháp công nghệ mới phù hợp với địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia, khách mời chia sẻ tại Tọa đàm Xây dựng Hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp

Tỉnh Thừa Thiên Huế với tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch đặc sắc, còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cũng trong dịp này, đã diễn ra buổi Lễ ra mắt Làng Công nghệ Quốc gia AI tại Huế và ra mắt các đồng Trưởng làng trên các lĩnh vực: Làng Công nghệ Tài chính, Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo, Làng Công nghệ Dược liệu sạch, Làng Công nghệ Du lịch và Ẩm thực, Làng Công nghệ Đô thị thông minh. Mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn đồng thời lan tỏa, góp phần đưa công nghệ AI từng bước ứng dụng vào cuộc sống.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, tại sự kiện cũng đã diễn ra Lễ Ký kết hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam giai đoạn 2022-2027.

Lễ Ký kết hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam giai đoạn 2022-2027

Các tin khác