Hội nghị Giao ban Khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhìn lại quá trình hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian qua, nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách KH&CN cũng như trao đổi về những vướng mắc còn tồn tại, với mục đích để KH&CN đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của toàn vùng, chiều ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022. 

Chủ trì Hội nghị có ông Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương và ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN. Tham dự tại Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Nằm ở vị trí địa lý “đặc biệt quan trọng” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước, 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đều có biển, đây là thế mạnh đặc biệt của vùng Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, vùng Bắc Trung Bộ còn có 01 Đại học vùng (Đại học Huế) thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho khu vực miền rung và Tây Nguyên, cùng với các Đại học, Cao đẳng khác đóng trên địa bàn các tỉnh trong vùng (Đại học Vinh, Đại học Hồng Đức, Đại học Quảng Bình…), mỗi năm đào tạo ra hàng nghìn nhân lực KH&CN trẻ có trình độ cao, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế-xã hội của cả vùng nói chung.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt từ đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ngành KH&CN cả nước nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động KH&CN tại vùng Bắc Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả vùng.

Điểm nổi bật về phát triển KH&CN

Theo áo cáo tổng kết của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trong giai đoạn 2018-2022, tổng chi đầu tư phát triển KH&CN cho 6 tỉnh trong vùng là 898,779 tỷ đồng. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST được ban hành, đặc biệt là các văn bản liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của đơn vị sự nghiệp KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN địa phương. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các địa phương quan tâm, bước đầu hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Công tác bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được chú trọng triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý đã có giá trị hơn rất nhiều lần so với thời điểm chưa được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.

Ngoài ra, hạ tầng thông tin, thống kê KH&CN đã có bước phát triển vượt bậc, cơ sở dữ liệu về KH&CN từng bước hoàn thiện. Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, góp phần đưa cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN được lan tỏa nhanh chóng. Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển; nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyên giao tiến bộ KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp tích cực trong sản xuất và đời sống. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN vùng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Nguồn lực dành cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách Nhà nước vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế, chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp thiết trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng hoạt động thương mại hóa còn hạn chế. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN đã dần được đầu tư trang bị, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ gây nhiều khó khăn trong quá trình vận hành khai thác, sử dụng. Song với đó, thị trường KH&CN còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ. Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất. Việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn chậm, đa số các doanh nghiệp chưa quan tâm tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN.

Trước tình hình đó, lãnh đạo các Sở KH&CN đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế bộ máy quản lý để có sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động của ngành phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Túy - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ  cần sớm hoàn thiện, ban hành các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, sớm có tham mưu cho Bộ trưởng để hoàn thiện khung pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương trong việc xây dựng các Khu Công nghệ cao một cách thuận tiện và hiệu quả.

Tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn tới

Để đạt được những muc tiêu của ngành đề ra, trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển bền vững cho vùng Bắc Trung Bộ. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.  Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách chi cho KH&CN trong kế hoạch phát triển KH&CN hàng năm dần tiếp cận tới mức 2% trong tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật KH&CN. Tăng cường hợp tác với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển. Triển khai, thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh giai đoạn 2021-2030. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như: hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; Sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; đầu tư nâng cao tiềm lực; thanh tra, thông tin thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hoạt động KH&CN cấp huyện... Đồng thời tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.

Chia sẻ với Hội nghị, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ KH&CN mở ra các cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đề tài, dự án được triển khai một cách hiệu quả. Hơn nữa, các cơ quan, ban ngành cần có sự gắn kết, là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với người dân.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng, quốc sách hàng đầu cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn để đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, thông tin KH&CN. Theo đó, cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, nhiều hơn doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN để góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống. Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các Sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng nói riêng và ngành KH&CN nước nhà nói chung.

Đối với những đề xuất của các Sở KH&CN, Thứ trưởng khẳng định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với tinh thần chung của toàn ngành sẽ tìm cách tháo gỡ để kịp thời điều chỉnh góp phần đưa các chính sách KH&CN thực sự đi vào cuộc sống.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Các tin khác