Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng với Khoa học và Công nghệ

Xem với cỡ chữ : A- A A+

      Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, luôn “Trung với nước, hiếu với dân”, “Dĩ công vi thượng”. Khi nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với Điện Biên Phủ, đến quân sự, đến chiến tranh, nhưng dẫu ai biết rằng Đại tướng còn là con người của giáo dục, của khoa học và luôn quan tâm đến khoa học công nghệ (KH&CN) của nước nhà.

      Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977 được sự phân công của Đảng và Nhà nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đó là trách nhiệm lớn lao của một anh hùng vĩ đại trong cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước, nay lại đảm nhiệm một lĩnh vực rất quan trọng trong xây dựng và kiến thiết nước nhà.

      Với bản lĩnh của một trí thức lớn, từ những năm 1978, khi tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội, Đại tướng đã nhìn thấy vấn đề “Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”.

     Đại tướng quan tâm trước hết đến nông dân, bởi đây là bộ phận đông nhất, bao gồm hơn 80% dân số cả nước, lại là đội quân chủ lực của cách mạng và kháng chiến, đã từng hy sinh nhiều nhất cho cách mạng, mà đến khi hòa bình lập lại còn là bộ phận nghèo nhất trong nước.

     Vốn xuất thân là một nhà trí thức giàu hiểu biết xã hội và khoa học, lại đã từng có mấy chục năm rời thành thị, đi vận động cách mạng ở rừng núi và nông thôn, đã từng viết luận văn về “Vấn đề dân cày” từ năm 1937, nay ở cương vị mới, Đại tướng chủ trương động viên lực lượng khoa học kỹ thuật trong cả nước ra phục vụ nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, lấy khoa học làm động lực để nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nông dân.

     Đại tướng đã triệu tập một hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc phục vụ nông nghiệp có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ Thủy lợi, Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Điện - Than, Tổng cục Hóa chất để lập một chương trình liên Bộ, liên ngành, tập hợp nhiều binh chủng hợp thành để cùng tiến quân vào mặt trận khoa học hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bằng ba biện pháp chủ chốt: Thủy lợi hóa, cơ khí hóa, hóa học hóa. Tại đây, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã có một bài phát biểu súc tích về vấn đề “Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”.

     Và con đường Đại tướng đã vạch ra từ độ ấy, là con đường đưa nông nghiệp nước ta thành một nền nông nghiệp nhiệt đới tiến lên sản xuất lớn ngày càng hiện đại, có năng suất lao động cao, có sản phẩm hàng hóa nhiều để thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn những nhu cầu về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu cho công nghiệp, về nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng quốc phòng vững mạnh. Đó là con đường làm cho nông nghiệp ngày càng thực sự trở thành cơ sở để phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế công - nông nghiệp ngày càng hiện đại của nước ta.

     Đối với Đảng và Nhà nước, quan điểm của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp là “Chúng ta phải làm cho cách mạng khoa học kỹ thuật thật sự trở thành một trong những nội dung chủ yếu của sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của sự quản lý của chính quyền các cấp”.

GS.VS Đặng Hữu chụp với đối tác Liên Xô (cũ) bàn về thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, dưới sự chứng kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: TL)

     Còn đối với Nhân dân “chỉ trên cơ sở động viên và tổ chức được hàng triệu, hàng chục triệu nông dân lao động, công nhân, đặc biệt là thanh niên cùng hăng hái vươn lên, tiến quân mạnh mẽ vào mặt trận khoa học kỹ thuật, bằng cách thay đổi lề lối canh tác theo chỉ dẫn của nhà khoa học, thì mới có thể “tạo đà cho nông nghiệp phát triển thắng lợi” trên đồng ruộng nông thôn.

     Việc mở mang những vùng kinh tế quy mô lớn, theo Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp “đòi hỏi đầu tư khoa học kỹ thuật, điều tra nghiên cứu rất nghiêm túc để xây dựng những kế hoạch tổng thể có chất lượng”. “Khoa học kỹ thuật không những phải xác định đúng phương hướng sản xuất, mà còn phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nông nghiệp với lâm nghiệp và vấn đề nước. Có đất đai, lại phải có nước thì mới có sự sống, mới có nông nghiệp. Rừng là một điều kiện thiên nhiên có mối liên hệ rất mật thiết với trữ lượng nước. Nước ta lại nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau”.

    “Rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội, mà còn có cả việc giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước và ở từng vùng”. Những ý kiến trên đây của Đại tướng vạch ra từ năm 1978 quả là những tư tưởng chỉ đạo có giá trị của một nhà chiến lược kinh tế uyên bác.

     Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn của Đại tướng đã cách đây gần 40 năm và giờ đây chúng ta đã có những bước tiến về phía biển…

     Từ năm 1985, Đại tướng cũng quan tâm và đã đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục. Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Do vậy, đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được trên 30 năm nhưng vấn đề đó vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.

     Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm đến nền KH&CN Việt Nam, là người đặt nền móng để xây dựng nền KH&CN Việt Nam. Đầu những năm 1980, Đại tướng bắt đầu nghĩ đến việc phải lo cho chính sách khoa học. Lúc đó, KH&CN nước ta phát triển tự phát, phân tán. Vì vậy, Đại tướng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần không nên để khoa học phân tán, ai muốn nghiên cứu thì nghiên cứu, ai muốn làm gì thì làm, cần có một chính sách cho KH&CN. Đây là vấn đề lớn được Đại tướng chuẩn bị soạn thảo đưa ra chính sách cho KH&CN của Việt Nam. Trọng tâm của chương trình làm thế nào để khoa học phục vụ đắc lực cho nền kinh tế, xã hội của đất nước. Càng khó khăn càng phải tìm đến khoa học. Chỉ có khoa học mới giải quyết vấn đề. Cùng với sự góp sức của các nhà khoa học, đến năm 1981, lần đầu tiên nước ta đã đưa ra Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về KH&CN.

      Đại tướng cũng là người có tầm nhìn chiến lược, có học vấn uyên thâm, thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp nên ông biết rõ xu thế phát triển của thế giới và triển khai áp dụng ở Việt Nam. Ngay từ hồi đó, Đại tướng đã đặt vấn đề xây dựng khu công nghệ cao, công viên công nghệ.

     Theo Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại tướng trăn trở đề xuất ý tưởng xây dựng khu công nghệ cao tại Hà Nội. Ban đầu, địa điểm được lựa chọn là khu Bách Khoa nối sang khu Đại học Thủy lợi xuống Đại học Tổng hợp (cũ), nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, tạo thành một vùng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên có sự thay đổi về địa điểm chuyển trung tâm KH&CN về khu Nghĩa Đô. Tiếc rằng, khi Đại tướng không còn ở trên cương vị lãnh đạo, việc triển khai vô cùng khó khăn. Mãi về gần đây, khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc được xây dựng dựa trên ý tưởng của ông.

      Đi đôi với phát triển công nghệ cao, Đại tướng cũng là người đặt nền móng cho sự nghiệp nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở Việt Nam. Cuối năm 1978, Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Việt Nam quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam trên tàu vũ trụ của Liên Xô, với sự tham gia của phi công Việt Nam. Theo đó Chính phủ Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Trưởng ban. Đại tướng luôn căn dặn những nhà khoa học Việt Nam rằng: “Đây là thời cơ tốt nhất để Việt Nam bắt đầu tiến hành một chương trình quốc gia nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào hòa bình với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô. Đại tướng động viên: hãy cố lên, cần Chính phủ tạo cho các nhà khoa học những điều kiện gì, cứ viết thư gửi thẳng đến Đại tướng, Đại tướng sẽ trực tiếp giải quyết”.

      Sau một thời gian thảo luận, giới khoa học đã soạn thảo xong chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam với các nội dung về vật lý và công nghệ vũ trụ; sinh học vũ trụ; y học vũ trụ và viễn thám. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xét duyệt nội dung chương trình và giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong Chính phủ giải quyết.

      Trong chuyến bay lịch sử đó, phi công vũ trụ Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến hành các thí nghiệm của Việt Nam trên tàu vũ trụ. Chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam năm 1980 đã thành công tốt đẹp và là sự khởi đầu tuyệt vời của sự nghiệp nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở nước ta.

     Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là Phó Thủ tướng phụ trách KH&CN, chính Đại tướng là người đã kêu gọi xây dựng chiến lược phát triển KH&CN của Việt Nam. Là người luôn động viên cổ vũ người làm khoa học, đưa các sáng kiến, kinh nghiệm vào thực tế sản xuất.

     Vào dịp đến dự trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ I, Đại tướng đã gợi ý: “Nên chăng có một Quỹ để khuyến khích những người sáng tạo khoa học và công nghệ mà không phải nằm trong hệ thống nhà nước. Nếu có Quỹ này có thể hỗ trợ những người công nhân, nông dân khó khăn nhưng say mê nghiên cứu sáng tạo, áp dụng sáng kiến tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

      Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh mới xây dựng và tổ chức Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) từ đó. 

      Đại tướng thường dẫn lời Bác Hồ khi còn sống đã luôn luôn nhắc nhở sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc. Chúng ta phải biết trân trọng và phát triển. Do vậy, Đại tướng muốn Quỹ VIFOTEC phải là Quỹ Nobel của Việt Nam. Phải xây dựng được phong trào toàn dân làm cách mạng, tiến quân vào khoa học kỹ thuật. Ngay sau đó Quỹ VIFOTEC được hình thành và Đại tướng đã tặng 8 chữ vàng: “Khoa học - Công tâm - Liêm khiết - Hiệu quả”.

      Đại tướng dặn đi dặn lại rằng: “Người làm Quỹ phải liêm khiết và chí công vô tư. Nhất là khi đánh giá các đề tài. Ông muốn giải thưởng phải thu hút được nhiều nhà khoa học đi vào công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, sinh học…”. Đồng thời, Đại tướng cũng dặn dò Quỹ VIFOTEC rằng: “Khoa học kỹ thuật là quan trọng rồi, nhưng khoa học quản lý quan trọng hơn. Phải đưa lĩnh vực này vào để xây dựng tiêu chí trao giải thưởng hàng năm”. Ngoài ra, Đại tướng muốn chú trọng đưa vào khoa học nghiên cứu biển, kinh tế biển. Lĩnh vực này theo Đại tướng nhận định Việt Nam chậm chân hơn so với các nước trong khu vực. Do vậy cần phải thúc đẩy hơn nữa. “Đại tướng đã đưa chiến lược quân sự vào khoa học kỹ thuật. Muốn toàn dân tham gia vào sáng tạo khoa học kỹ thuật”.

      Cũng chính vì thấm nhuần quan điểm này nên Quỹ VIFOTEC đã cố gắng tổ chức các cuộc thi trên nhiều diện nhiều đối tượng có thể tham gia (từ nhà khoa học đến người nông dân, sinh viên các trường đại học, học sinh… tham gia vào nghiên cứu sáng tạo).

      Trong những năm cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm và trăn trở về vấn đề đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành năng lượng nguyên tử; đổi mới giáo dục để tránh tụt hậu xa và cả câu chuyện về bô-xít…

 Đại tướng trong cuộc gặp em Lê Vũ Hoàng, thế hệ trẻ tiêu biểu của quê hương Quảng Bình (Ảnh: Báo Quảng Bình)

      Đối với quê hương Quảng Bình yêu dấu, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng mỗi lần về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, nơi quê cha đất tổ của mình, Đại tướng luôn trăn trở là làm sao cho quê mình ngày càng đi lên, và Đại tướng đã có những quan điểm, chỉ đạo sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo nguồn nhân lực... của tỉnh nhà.

      Trong phát triển kinh tế, Đại tướng lưu ý tỉnh Quảng Bình phải phá thế độc canh cây lúa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo được hàng hóa cho thị trường. Nông dân phải bỏ thói quen trong sản xuất nông nghiệp: làm ra để dùng, dùng không hết thì để đó... Trong phát triển phải chú ý đến bảo vệ môi trường.

    Nghe tin mẹ Phạm Thị Nghèng (xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới) trồng rừng phi lao ven biển để chống cát bay cát chảy và đã có hàng trăm ha rừng chạy dọc ven biển. Năm 1999, Đại tướng đã về thăm và nói với mọi người: “Tôi cũng rất muốn được làm một người như mẹ Nghèng, được trồng những rừng phi lao trên vùng cát trắng”. Và khi nghe tin ông Ngô Văn Lý (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch), là thương binh, về quê nhận đồi hoang phục hồi rừng dẻ và ươm giống cây gỗ huỵnh để trồng rừng, Đại tướng đến thăm tại nhà và khen ngợi: “Việc tiên phong nhận đồi hoang để phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc là xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Ươm được giống cây huỵnh và chuyển trao kinh nghiệm cho cơ quan nhà nước là xứng đáng được ghi danh ‘tiến sĩ thực hành” như mọi người tôn vinh”.

     Vào những năm 1980, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Những lần về thăm quê, Đại tướng luôn dành nhiều thời gian để thăm những điển hình làm ăn tốt ở Quảng Bình và động viên mọi người học hỏi làm theo. Trong chuyến thăm quê vào năm 1990, Đại tướng căn dặn Hội Nông dân tỉnh: “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi nhưng Quảng Bình lại là nằm trong vùng đất khắc nghiệt cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp còn phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con nông dân ta vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thủy lợi, thâm canh các loại cây con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội Nông dân phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên...”.

    Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Đại tướng, trong những năm qua tỉnh Quảng Bình đã có những nỗ lực cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân 5 năm đạt 6,13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ cấu lại các ngành kinh tế đạt kết quả tích cực; du lịch phát triển nhanh, đã khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân được cải thiện... Trong đó, hoạt động KH&CN có những bước phát triển tích cực, đã cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; đào tạo và nâng cao trình độ nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc và các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc; góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Nhiều cá nhân tiêu biểu đã mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để làm giàu, để tạo lập và khởi nghiệp trong phát triển kinh tế, dịch vụ; nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả ra đời, ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

      Có thể nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài đức văn võ song toàn, một trong mười vị tướng tinh hoa của thế giới, dù đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng những cống hiến của Đại tướng đối với đất nước vẫn còn mãi với thời gian và in dấu trong lòng mỗi người dân đất Việt. Đại tướng là một nhà quân sự, nhà báo, nhà giáo, nhà luật học, nhà khoa học, với tình yêu nước thương dân vô tận, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng đã cống hiến trọn vẹn và đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp KH&CN của nước nhà. Những quan điểm của Đại tướng về khoa học và công nghệ hiện vẫn đang còn mang tính thời sự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

- Tổng hợp từ các trang thông tin điện tử và báo điện tử: chinhphu.vn; khoahocphothong.com.vn; thanhnien.com.vn; danviet.vn; baodatviet.vn; baoquang binh.vn.

- Trần Thái Bình, Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm, Nxb Trẻ, 2011.

                                                                                                                              ThS. NGUYỄN CHÍ THẮNG

                                                                                                        Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình

Các tin khác