TCVN 13770:2023 yêu cầu kỹ thuật về cao lanh dùng sản xuất gốm sứ dân dụng

Font size : A- A A+

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13770:2023 được ban hành nhằm hướng dẫn sử dụng cao lanh để sản xuất sứ dân dụng đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật cơ bản để tạo ra những sản phẩm gốm sứ dân dụng chất lượng.

Kaolin (cao lanh) là loại đất sét màu trắng, nằm sâu dưới đất cát do thủy triều hoặc phong hóa tạo nên. Khi gặp nước, cao lanh dính dẻo, dễ định hình. Tiếp xúc với nhiệt độ cao, loại đất sét này lại thành thể rắn.

Cao lanh chia làm 2 loại là cao lanh sơ cấp và cao lanh thứ cấp. Cao lanh sơ cấp là loại cao lanh nguyên chất chưa qua chế biến, vẫn tồn tại như dạng ban đầu của nó khi ở dưới lòng đất. Cao lanh thứ cấp là loại cao lanh sơ cấp đã qua quá trình xử lý. 

Cao lanh phân bố khá rộng rãi và phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta. Cao lanh là loại nguyên liệu hiện đang được ứng dụng rất nhiều trong ngành sơn nước, sản xuất xi măng, các chất trám trong xây dựng, gốm sứ và làm đẹp, sản xuất xà phòng, sản xuất các loại vật liệu chịu lửa, lót lò cao, lò gió nóng và nồi hơi trong luyện kim loại màu hoặc lót các lò nung vôi.…

Trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ cao lanh là nguyên vật liệu sản xuất chai, lọ, bát, đĩa, bồn vệ sinh….Để đánh giá chất lượng của bột kaolin cho một ngành công nghiệp sản xuất đồ gốm, nhất thiết phải dựa theo yêu cầu hoặc điều kiện kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định của ngành đó.

Sử dụng cao lanh để sản xuất gốm sứ dân dụng nên tuân theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Từ thực tế này, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13770:2023 về cao lanh để sản xuất sứ dân dụng - Yêu cầu kĩ thuật. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất sứ dân dụng.

Nguyên liệu tốt nhất để chế tạo đồ gốm chịu axit là đất sét cao lanh không được chứa các bọc calcit, thạch cao, pyrit, vật liệu xâm tán thô và không chứa nhiều cát. Phải có khả năng dính kết và độ dẻo cao. Hàm lượng oxit sắt đối với sản phẩm quan trọng không được quá 1,5%, còn đối với sản phẩm ít quan trọng thì không được quá 3%. Hàm lượng oxit calci không quá 1% đối với sản phẩm quan trọng và không quá 2% đối với sản phẩm ít quan trọng.

Về yêu cầu kỹ thuật thành phần hóa học của cao lanh theo quy định: Hàm lượng silic dioxit không lớn hơn 51% mức 1 và 53% mức 2; Hàm lượng nhôm oxit không nhỏ hơn 35% mức 1 và 32% mức 2; Hàm lượng sắt không lớn hơn 0,6% mức 1 và 1,0% mức 2; Hàm lượng titan oxit không lớn hơn 0,4% mức 1 và 0,8% mức 2; Hàm lượng canxi oxit không lớn hơn 0,6% và 0,8%.

Thành phần cấp hạt và chỉ tiêu cơ lý: Trong đó thành phần cấp hạt lớn hơn 0,1mm không cho phép ở cả 2 mức. Từ 0,1mm đến 0,063mm không lớn hơn 5. Thành phần nhỏ hơn 0,063%mm không nhỏ hơn 95%.

Về độ trắng sau nung 1200 độ C không nhỏ hơn 75% mức 1 và 68% mức 2. Về độ co khi sấy ở 110 độ C không nhỏ hơn 2%; khi nung ở 1200 độ C không lớn hơn 13%. Về độ ẩm thì theo thỏa thuận giữa hai bên. Lưu ý cao lanh loại 1 nên dùng để sản xuất sản phẩm sứ dân dụng, loại 2 nên để sản xuất sản phẩm phổ thông.

Về bao gói Tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn cao lanh nên được bảo quản trong kho có mái che, theo từng lô ở dạng rời hoặc đóng bao pp. Về ghi nhãn ngoài các nội dung trong phiếu chất lượng theo quy định pháp lý hiện hành thì trên bao bì phải có nhãn ghi rõ tên, ký hiệu loại sản phẩm; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; các chỉ tiêu kỹ thuật chính; ký hiệu lô (ngày, tháng, năm sản xuất); khối lượng tịnh. Cao lanh được vận chuyển bằng phương tiện thông dụng có mái che, đảm bảo khô ráo, không lẫn loại.

 Link bài đăng: https://vietq.vn/gggg-d222682.html

Nguồn: vietq.vn

More