Điểm tin KH&CN từ ngày 20-26/12

Font size : A- A A+
 Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014; Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; Phê duyệt Hiệp định hợp tác Khoa học công nghệ với El Salvador;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

 Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014".

Chương trình nhằm công bố, tôn vinh các sự kiện khoa học và công nghệ ấn tượng năm 2014, đồng thời, ghi nhận những đóng góp của người làm khoa học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình đã tôn vinh 9 sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2014 bao gồm: Nghiên cứu thành công vắc xin Rotavin - M1 phòng bệnh tiêu chảy; hạ thủy, bàn giao xuất khẩu giàn dầu khí sang Ấn Độ; lần đầu tiên Bộ KH&CN trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các nhà khoa học xuất sắc; sản phẩm vi mạch đầu tiên của Việt Nam chính thức được thương mại hóa; hai tạp chí khoa học Việt Nam (Tạp chí Toán học và Tạp chí Vật lý) được nhập vào Cơ sở dữ liệu khoa học Scopus; Việt Nam lần đầu tiên ghép tụy - thận từ người cho chết não; Việt Nam giành 3 giải thưởng IAEA về đột biến giống lúa; làm chủ công nghệ trong công tác đóng tàu quân sự 12418; lần đầu tiên tổ chức ngày KH&CN Việt Nam (18-5) và Tuần lễ KH&CN quốc gia. Các sự kiện ấn tượng nói trên được bầu chọn bởi các nhà quản lý uy tín, các nhà khoa học lớn trong cả nước. (Theo vtv.vn 24/12).

Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số120/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 133/2008/NĐ-CP thì có 11 công nghệ bị hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Nhưng theo quy định mới thì có tới 23 công nghệ bị hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó có công nghệ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng Amiăng trắng; công nghệ sản xuất bột ôxit titan có sử dụng axit sulfuric; công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi, trồng và chế biến thủy sản...

Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2015. Khoản 1 Điều 5 và 3 Danh mục công nghệ của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP bị bãi bỏ kể từ ngày Nghị định 120/2014/NĐ-CP có hiệu lực. (Theo Báo điện tử chính phủ 24/12).

10 sự kiện tiêu biểu lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Ngày 23-12, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong năm 2014.

10 sự kiện tiêu biểu lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam 2014 gồm: Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân La Hay, Hà Lan tháng 3-2014; Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân đã được ký tại Hà Nội ngày 6-5-2014 và có hiệu lực từ ngày 3-10-2014; Việt Nam hoàn thành xuất sắc cương vị Chủ tịch Hội đồng thống đốc của IAEA nhiệm kỳ 2013-2014; Việt Nam nhận 3 giải thưởng thành tựu do IAEA trao tặng; Đoàn đánh giá tích hợp pháp quy hạt nhân (IRRS); Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng hạ tầng pháp quy cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và giúp bạn khảo sát phóng xạ môi trường thành phố Viêng Chăn; Khởi công xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ngày 12-12-2014; Đại hội Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhiệm kỳ II đã thành công tốt đẹp và bầu ra Ban chấp hành mới; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg ngày 15-8-2014 quy định Chế độ ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ; Sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE tháng 9-2014. (Theo Tuổi trẻ 24/12).

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan

Phê duyệt Hiệp định hợp tác Khoa học công nghệ với El Salvador

Chính phủ vừa quyết nghị phê duyệt Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa El Salvador.

Theo đó, hai bên đã thỏa thuận ký kết Hiệp định hợp tác với mục đích nhằm góp phần mở rộng và tăng cường các mối quan hệ giữa các cộng đồng khoa học và công nghệ giữa hai nước bằng việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác khoa học và công nghệ trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và theo các điều khoản của Hiệp định này…

Để đạt được các mục đích của hiệp định, các hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ giữa các bên theo khuôn khổ của hiệp định này sẽ được thực hiện theo các hình thức sau: trao đổi các đoàn chuyên gia và các nhà khoa học; tổ chức các hội thảo, hội nghị và các cuộc gặp gỡ khoa học chung; đào tạo và nâng cao trình độ các nhà khoa học và chuyên gia; hỗ trợ cho phía El Salvador xây dựng Khu Công nghệ cao theo các kinh nghiệm tương tự của một số khu công nghệ cao tại Việt Nam... (Theo Đại biểu nhân dân 25/12).

''''Kỹ sư robot nhí'''' Việt Nam đạt giải Robotics quốc tế

Trong cuộc thi Robotics trẻ quốc tế (gọi tắt là IYRC) dành cho trẻ em độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở diễn ra tại Malaysia vừa qua, Việt Nam có 7 thí sinh tham dự. Các em là những đại diện xuất sắc được chọn ra từ giải đấu Robotacon trong nước do Sở GD&ĐT TP HCM phối hợp với Công ty ELI Stem Education Center tổ chức từ tháng 9.

Đoàn Việt Nam có 3 thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi này là em Lê Duy Lãm (10 tuổi) giành giải nhất sáng tạo ở bảng Transporter, giải nhì đồng đội ở hạng mục Soccer Robot thuộc về đôi Võ Thiết Quang (9 tuổi) và Lê Nguyên Minh (8 tuổi).

Cuộc thi Robotics trẻ quốc tế được tổ chức thường niên vào tháng 12, là một sân chơi bổ ích cho học sinh thuộc lứa tuổi thiếu niên nhi đồng có chung niềm đam mê lập trình robot. (Theo vnexpress 23/12).

Võ Thiết Quang (9 tuổi) và Lê Nguyên Minh (8 tuổi) giành giải nhì đồng đội ở bảng Soccer Robot.

Cụ thể hóa chính sách thu hút người tài

Trong các năm qua, TPHCM đã đầu tư khá lớn vào Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học và luôn đặt ra những kỳ vọng phát triển, đi đầu trong nay mai. Để tiếp tục phát triển công nghệ cao, Quyết định số 5715/QĐ-UBND về ban hành quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH-CN vừa được UBNDTP ban hành. Trong đó, quy chế cụ thể và chế độ đãi ngộ cao được thể hiện rõ ràng.

Cụ thể, về lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ, các chuyên gia KH-CN sẽ được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp đi lại; được hưởng thu nhập theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia. Việc tăng thêm thu nhập hoặc phụ cấp sẽ được thỏa thuận lại khi ký kết hợp đồng lao động cho kỳ tiếp theo, nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia KH-CN người Việt Nam ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, cấp thị thực xuất nhập cảnh, đăng ký cư trú, đăng ký tạm trú cho bản thân và thành viên gia đình. Các chuyên gia KH-CN được bố trí nhà ở công vụ hoặc tạo điều kiện thuận lợi để mua nhà, được hỗ trợ giới thiệu việc làm cho vợ (chồng); được tạo điều kiện học tập cho các con….Với những quy định nêu trên đã khẳng định quyết tâm của TPHCM trong việc gỡ nút thắt, rộng mở cánh cửa thu hút ngày càng nhiều chuyên gia KH-CN giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển TP. (Theo Sài gòn giải phóng 24/12).

 


(Theo truyenthongkhoahoc.vn)

More