ASTM - 125 năm hình thành và phát triển tiêu chuẩn quốc tế

Font size : A- A A+

ASTM International là hiệp hội tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất trên thế giới ra đời vào năm 1898. Trải qua 125 năm hình thành và phát triển, ASTM dần đảm bảo vai trò của các tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực hiện nay.

2023 là dấu mốc quan trọng khi hiệp hội quốc tế Vật liệu và Thử nghiệm Hoa Kỳ - ASTM (American Society Testing and Materials International) kỷ niệm 125 năm thành lập. Sự kiện đánh dấu chặng đường dài từ khi thành lập cho đến ngày phát triển rực rỡ như hôm nay.

Hiệp hội đặt ra các tiêu chuẩn thống nhất, tự nguyện giữa nhà sản xuất, khách hàng và người dùng khắp thế giới. Hiện nay, hiệp hội gồm 30.000 hội viên trên khắp thế giới đến từ hơn 140 quốc gia, cùng nhau góp sức về chuyên môn kỹ thuật để tạo ra hơn 12000 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi những ngành công nghiệp mới ra đời như công nghệ nano, công nghệ sinh học… ngày càng phát triển thông qua tiêu chuẩn hóa thì rất nhiều những tiêu chuẩn mới ra đời đó được lấy từ ASTM.

Kể từ khi thành lập vào năm 1898, Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Hoa Kỳ (ASTM) đã tham gia vào ba cuộc cách mạng công nghiệp và vượt qua hai cuộc Chiến tranh Thế giới, tự đổi mới qua mỗi thế hệ để đi đầu trong việc khám phá khoa học vật liệu, thiết kế, an toàn và trao đổi thông tin.

Kỉ niệm 125 năm thành lập Hiệp hội Tiêu chuẩn quốc tế ASTM

Vào ngày 16 tháng 6 năm 1898, Hiệp hội ASTM được thành lập bởi một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư, đứng đầu là Charles Dudley với tên gọi ban đầu là “Hiệp hội Quốc tế Hoa Kỳ về thử nghiệm vật liệu” - IATM (International American Testing Materials). Thời điểm này được coi là thời kỳ phát triển của “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai”. Trong giai đoạn này, thế giới chứng kiến ​​sự đổi mới về công nghệ và phương pháp, chẳng hạn như điện khí hóa, tua-bin hơi nước, khoa học ứng dụng, viễn thông, luyện kim và quản lý khoa học.

Ban đầu, Hiệp hội được thành lập ra để giải quyết các vụ đứt gãy đường sắt thường xuyên ảnh hưởng đến ngành đường sắt đang phát triển nhanh chóng. Nhóm đã phát triển tiêu chuẩn cho thép sử dụng để chế tạo đường ray và các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến tàu chiến, các vật liệu… phục vụ cho thời điểm đấy.

Đến năm 1960, nhận ra sự quan trọng của công nghệ và tác động của nó đến tương lai, ASTM đã bổ sung thêm các ủy ban hướng tới các ngành công nghiệp đang phát triển như chất làm mát động cơ, quang phổ phân tử, điện tử và hệ thống mặt đường xe cộ. Cho đến năm 1980, ASTM đã tham gia vào lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và nhận ra rằng nhu cầu cấp thiết về các tiêu chuẩn trong một thế giới ngày càng bị tác động bởi kỹ thuật số. Vì vậy, ASTM đã lập ra nhiều tiểu ban nhỏ để có thể dễ dàng tiếp cận nhiều chủ đề mới và có thể tìm hiểu sâu hơn, bao gồm quản lý chất thải, an toàn trượt tuyết, dịch vụ y tế khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn và công nghệ sinh học.   

Vào năm 2001, khi Hiệp hội được đổi tên thành “ASTM International”, đánh dấu sự thay đổi mới khi lan rộng ra toàn cầu thể hiện bằng việc mở các văn phòng của ASTM ở Mỹ Latinh, Trung Quốc, Châu Âu và Canada, cùng với việc thiết lập Biên bản ghi nhớ (MoU) toàn cầu để tạo quan hệ đối tác quốc tế. Hiện tại, ASTM có hơn 120 thỏa thuận MoU.                                                                

Hơn thế, vị trí của ASTM càng được củng cố rõ hơn bằng việc bổ sung hạng mục mới như thành lập nhóm tiểu ban thành viên sinh viên (2003), chương trình nghiên cứu liên phòng thí nghiệm (2004) và thư viện kỹ thuật số để tăng khả năng tiếp cận các tài liệu kỹ thuật (2006).

Hiện tại, các sản phẩm và dịch vụ của ASTM bao gồm nền tảng Compass cung cấp hơn 12.000 tiêu chuẩn, hơn 40.000 bài báo và bài báo có sẵn cho người đăng ký; vật liệu tham khảo cho xi măng, bê tông và dầu mỏ; thông tin thị trường thông qua Báo cáo Wohlers; và các khóa đào tạo, chứng chỉ. 

Ngày nay, chúng ta đang ở trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được đánh dấu bằng những đổi mới trong chế tạo người máy, tự động hóa, học máy, sản xuất phụ gia, công nghệ nano và các ngành công nghiệp mới nổi khác. Việc các ủy ban của ASTM nghiên cứu, xây dựng thêm nhiều tiêu chuẩn cho các sản phẩm dịch vụ sẽ đóng góp vai trò lớn, đảm bảo cho cuộc sống con người an toàn hơn, hỗ trợ các quốc gia hướng đến gần hơn với phát triển bền vững.

Link bài đăng: https://vietq.vn/astm-125-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-tieu-chuan-quoc-te-d211892.html

Nguồn: vietq.vn

More