Hội thảo phổ biến kiến thức "Định giá tài sản trí tuệ"

Font size : A- A A+
 Hội thảo phổ biến kiến thức “Định giá tài sản trí tuệ” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tổ chức ngày 10/10/2014 tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

 

Hội thảo nhằm trang bị kiến thức về định giá tài sản trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động nghiên cứu-triển khai, quản lý tài sản trí tuệ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Văn Vĩnh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như khuyến khích, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ngày nay đang trở thành đòi hỏi có tính toàn cầu và trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Định giá tài sản trí tuệ là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường KH&CN. Vấn đề định giá tài sản trí tuệ ngày nay trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với cả các nhà lập pháp, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô, từ những nhà kinh doanh đến những nhà sáng tạo, những người làm công tác quản lý hoạt động sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu…

TS. Nguyễn Nghĩa - Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có bài thuyết trình về "Định giá tài sản trí tuệ" trong đó phần "Doanh nghiệp với đổi mới công nghệ, tri thức, quyền sở hữu trí tuệ" TS. Nguyễn Nghĩa cho biết:" Kinh nghiệm phát triển kinh tế và xã hội các nước phát triển biểu hiện: đổi mới công nghệ là sức sống của doanh nghiệp. Không đổi mới, thì doanh nghiệp không thể sinh tồn; không đổi mới liên tục, thì doanh nghiệp khó có thể phát triển, không đổi mới thì diệt vong, đối với doanh nghiệp là quy luật khó có thể thay đổi."

Để thấy được tầm quan trọng của định giá tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Nghĩa nhấn mạnh: "Do quyền sở hữu trí tuệ là một "tài sản vô hình", vì vậy nó có tính tài sản và tính vô hình, do đó mọi người có thể thường xuyên nhầm lẫn quyền sở hữu trí tuệ với "tài sản vô hình", trên thực tế, quyền sở hữu trí tuệ không đánh đồng với tài sản vô hình, đó là 2 khái niệm vừa liên quan vừa có sự khác biệt.”
Do vai trò to lớn phát huy bởi tài sản vô hình, nên các nước và doanh nghiệp trên thế giới ngày càng nhận thức được giá trị to lớn của tài sản vô hình. Trong thế kỷ 21, tài sản vô hình không chỉ là tài sản liên kết kinh tế, công nghệ và pháp luật của một đơn vị, mà còn tượng trưng cho nguồn lực dân tộc và sức mạnh quốc gia. Trong thế kỷ 21, một trong những nguồn lực quan trọng thực sự hình thành sức kiểm soát là tài sản vô hình. Các cường quốc trên thế giới ngày nay là các nước lớn về bằng độc quyền sáng chế, nhãn hiệu và phần mềm máy tính. Họ dựa vào tài sản vô hình có trong tay để tạo ra sự độc quyền đối với thị trường quốc tế, có thể chiếm lĩnh một quốc gia chỉ cần dựa vào tài sản vô hình có trong tay để chiếm lĩnh thị trường.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đến dự có thể thấy được việc định giá tài sản tốt sẽ giúp cho việc ra các quyết định phù hợp nhất liên quan đến bảo hộ, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cũng như giúp cho việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước có liên quan. Định giá tài sản trí tuệ còn nhằm mục đích truyền thống là xác định giá trị thiệt hại trong các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

 

(Theo truyenthongkhoahoc.vn)

More