Giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Font size : A- A A+

Ngày 13/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại khu Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng”, mã số ĐTĐLCN-35/20.

Đây là nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt, do PGS.TS Bùi Thế Đồi làm Chủ nhiệm; Cơ quan chủ trì là Trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đề tài thực hiện từ tháng 09/2020 đến tháng 08/2023 với mục tiêu chính là: Làm rõ được cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho việc đề xuất giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; Xây dựng được 03 mô hình sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (mô hình sinh kế bền vững, mô hình cộng đồng tham gia công tác bảo tồn và mô hình cộng đồng tham gia phát triển du lịch sinh thái). 

   

Mô hình trồng cây Ba kích tím và Sa nhân tại vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Báo cáo tại Phiên họp, PGS. TS. Bùi Thế Đồi cho biết, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất năm 2003 và lần thứ hai vào năm 2015 với 2 tiêu chí mới: Có giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; Sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Kể từ khi thành lập, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã đạt được kết quả trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái, cũng như các giá trị văn hóa - lịch sử; thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giáo dục môi trường, bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển và nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế cho người dân các xã vùng đệm. 

PGS. TS. Bùi Thế Đồi trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ.

Theo đó, nhiệm vụ đã thu được những kết quả đáng ghi nhận như sau: Đề xuất được giải pháp nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên tại địa phương; Các báo cáo khoa học có thể là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tương tự đối với các cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo đại học; Sản phẩm của đề tài làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các chương trình, kế hoạch quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; Nâng cao nhận thức cộng đồng và các cấp chính quyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái tự nhiên; Góp phần tăng cường công tác cải thiện sinh kế cho người dân địa phương sống tại khu vực nghiên cứu; Khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn tài nguyên và du lịch sinh thái, qua đó có cơ hội cải thiện sinh kế; Mô hình phát triển cây dược liệu có khả năng nhân rộng tại địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, thân thiện với môi trường. 

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; về chủng loại, số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.

Toàn cảnh Phiên họp.

Link bài đăng: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/24005/giai-phap-su-dung-ben-vung-tai-nguyen-thien-nhien-gan-voi-sinh-ke-cong-dong-tai-vuon-quoc-gia-phong-nha---ke-bang.aspx

Nguồn: www.most.gov.vn

More