Chiến thắng Điện Biên Phủ và những dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Font size : A- A A+

Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ thiên tài - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi chung của cả dân tộc ta, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh của chiến dịch.

Mặc dù xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự nhưng với tài thao lược quân sự xuất chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vinh dự được Bác Hồ giao trọng trách Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch then chốt, quyết định đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc…, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và Bác Hồ đã ủy thác qua lời dặn dò trước lúc lên đường: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Phải là người có lòng tin và quyết tâm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới dám nhận một sứ mệnh lịch sử cao cả như vậy.

Trong nhân cách nhân văn cao cả Võ Nguyên Giáp luôn hội tụ đủ tố chất của một vị tướng: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung. Đại tướng là một con người “Dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, biết quy tụ nhân tâm, không chủ quan duy ý chí. Khi được giao là người chỉ huy cao nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch tại tập đoàn cứ điểm này. Đại tướng nhận thức sâu sắc rằng chỉ có đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược bằng tập đoàn cứ điểm của địch mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc bấy giờ đối với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không phải là vấn đề tiến công hay không tiến công, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một mục tiêu chiến lược đã được Pháp tập trung xây dựng rất hùng mạnh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”“Quyết định khó khăn nhất” của Ông và đây được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “Đánh chắc thắng” thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “Dĩ công vi thượng” luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.

Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã hoàn tất. Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy những khó khăn cho quân ta. Bởi vậy, mặc dù quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng khai hỏa vào 17h ngày 25/1/1954 nhưng Đại tướng quyết định dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết. Pháo đã kéo vào nay lại kéo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới “Đánh chắc tiến chắc”. Đấy là một sự thay đổi chiến lược rất đúng đắn, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, đã mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ.

Để biến quyết tâm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thành hiện thực thắng lợi, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề ở tầm chiến lược, chiến dịch. Trước hết, đó là tìm mọi cách cô lập và giữ chân quân Pháp ở Điện Biên Phủ để đại quân ta tiêu diệt; loại bỏ cách đánh mạo hiểm, chọn cách đánh bảo đảm yếu tố chắc thắng; chỉ đạo giải quyết thành công vấn đề bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch dài ngày, lực lượng tham gia lớn và diễn ra trên một địa bàn khó khăn xa hậu phương; khắc phục được những tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, mở đường giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, là một vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh chiến dịch nhưng Võ Nguyên Giáp giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi của bộ đội. Trước nhiều trận đánh lớn, bao giờ Đại tướng cũng viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội và dân công. Võ Nguyên Giáp là một con người luôn coi trọng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể. Đại tướng luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới. Trước khi quyết bất cứ vấn đề hệ trọng nào Đại tướng đều đưa ra thảo luận tập thể. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” - Một phương châm đã góp phần đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng “Thống soái quân sự cỡ lớn”, Đại tướng đã trao đổi, xin ý kiến và kiên trì thuyết phục tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực cho dù người đó giữ cương vị to hay bé, quân hàm cao hay thấp và biết quý từng giọt máu của bộ đội. Là một nhà cầm quân là phải khát khao chiến thắng, song ở Đại tướng không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng phải luôn đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng thật khó diễn đạt hết, nhưng dễ dàng cảm nhận được.

Thấu triệt tinh thần “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “Biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở đầu và kết thúc ngày 7/5/1954, quá trình chiến dịch diễn biến qua 3 đợt: Đợt 1, từ 13-17/3/1954; Đợt 2, từ 30/3-30/4/1954; Đợt 3, từ 1-7/5/1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần ‘Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đối phương, đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của Nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, mở ra bước ngoặt quyết định của tiến trình cách mạng nước ta cũng như hai nước bạn Lào và Cămpuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi đến kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ quân đội và Nhân dân Việt Nam. Chủ trương thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” - Một trong những tư tưởng chỉ đạo quan trọng bậc nhất của Trung ương trong công tác lãnh đạo đấu tranh vũ trang. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thực sự là một cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

70 năm đã đi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, ý chí và quyết tâm giành độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc đã được Đảng và Nhân dân ta nhân lên gấp bội, tạo thành sức mạnh có ý nghĩa quyết định. Nhân tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và đặc biệt là vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn; phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Có thể nói, nét đẹp cao quý tập trung nhất về nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tinh thần dĩ công vi thượng, khiêm tốn, sống giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ, bao dung, nhân hậu - một thiên tài quân sự. Với Đại tướng, Tổ quốc, Dân tộc và Đảng là trên hết, không gì thiêng liêng và cao quý hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tỏ rõ là một vị tướng tài đức song toàn, có uy tín cao và tròn vẹn.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhường lại cho một sự khởi đầu mới, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của “Hoà bình - Hợp tác - Hội nhập và Phát triển”. Dù vậy, trong lòng bạn bè khắp bốn biển năm châu khi họ nghĩ về Việt Nam, yêu mến Việt Nam, đặc biệt là sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ (7/5/1954) đều gắn liền để thốt lên cụm từ riêng đặc biệt: “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Giáp”.

Nguồn: Nguyễn Đăng Tuấn – Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

3. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập 5, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.

4. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969.

5. Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

More