Nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN liên kết: “Mô hình dê Bách Thảo tại huyện Tuyên Hóa"

Font size : A- A A+
 Ngày 20/4/2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: “Mô hình dê Bách Thảo tại huyện Tuyên Hóa” do Hợp tác xã DVNN và SXKDTH Hùng Thương chủ trì thực hiện.

 

    Xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa là một xã miền núi, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất vườn gò đồi lớn thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi dê bán chăn thả. Mặc dù chăn nuôi dê có từ lâu, dê được nuôi rộng rãi trong các gia đình với số lượng ít, chủ yếu theo phương thức chăn thả tự do, ít đầu tư thâm canh, công tác phòng trừ dịch bệnh không chu đáo nên dịch bệnh xảy ra thường xuyên, khả năng rủi ro cao nên chăn nuôi dê chưa phát triển.

    Mục tiêu của nhiệm vụ là đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển dê Bách Thảo nuôi thịt và nuôi sinh sản để bổ sung đối tượng nuôi mới, đa dạng đối tượng vật nuôi cho các hộ dân ở xã Phong Hóa nói riêng và huyện Tuyên Hóa nói chung. Tăng số lượng đàn dê từ 27 con dê Bách Thảo bố mẹ ban đầu sau khi kết thúc nhiệm vụ sẽ tăng lên 72 con. Trong đó 25 con dê cái nền, 2 con dê đực giống và 45 con dê con tạo nguồn giống và một lượng thịt dê lớn để cung cấp ra những địa bàn có điều kiện phù hợp. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Nâng cao trình độ chăn nuôi dê.

     Với đối tượng nghiên cứu là dê Bách Thảo giống 06 tháng tuổi, dê cái có trọng lượng 17 kg/con, dê đực có trọng lượng 25 kg/con, sinh trưởng phát triển bình thường, đủ tiêu chuẩn làm giống. Với số lượng 25 con dê cái nền, 2 con dê đực giống, qua thời gian thực hiện từ tháng 5 năm 2020 đến nay nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung đề ra: Tăng số lượng đàn dê từ 27 con dê Bách Thảo bố mẹ ban đầu sau khi kết thúc nhiệm vụ đã tăng lên 74 con. Trong đó 25 con dê cái nền, 2 con dê đực giống và 47 con dê con. Đã chuyển giao tiến bộ khoa kỹ thuật cho người dân. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo phù hợp với điều kiện địa phương. Lãi trung bình mỗi tháng là hơn 7 triệu đồng.

   Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học khẳng định nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung đề ra. Kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần đáng kể vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời nhiệm vụ tạo ra một nghề mới trong ngành chăn nuôi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn. Sản phẩm của nhiệm vụ làm tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm có chất lượng cao.

Nguồn: TT Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

More