TCVN 13840:2023 về truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng cà phê nhân

Font size : A- A A+

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13840:2023 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng cà phê nhân đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng cà phê nhân để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13840:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho các biện pháp truy xuất nguồn gốc từ cơ sở trồng trọt ban đầu đến cơ sở bán lẻ (truy xuất nguồn gốc bên ngoài), để hỗ trợ các sự kiện theo dõi trọng yếu (CTE) như trồng trọt, chế biến, đóng gói sản phẩm, giao nhận, vận chuyển, và bán hàng.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho mọi cấp độ được định danh đơn nhất bao gồm sản phẩm ban đầu hoặc thương phẩm, đơn vị logistic. Bao gồm tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng như cơ sở trồng trọt, cơ sở chế biến, cơ sở đóng gói, nhà phân phối, nhà bán buôn và cơ sở bán lẻ. Mỗi chuỗi cung ứng có thể được tạo thành từ một số hoặc tất cả các bên.

Mô hình chuỗi cung ứng cà phê nhân nêu trong tiêu chuẩn này là mô hình ứng dụng hệ thống GS1 để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhu cầu truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng cà phê nhân chủ yếu xuất phát từ các quy định pháp luật và nhu cầu minh bạch trong chuỗi cung ứng. Trong đó GS1 là tổ chức mã số mã vạch toàn cầu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc tế về mã số, mã vạch, quy định các thủ tục quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ có liên quan.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo các yêu cầu pháp luật khi cần áp dụng nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” đối với thông tin về người tiêu dùng và nhà cung cấp. Do đó, có thể truy xuất nguồn gốc ở tất cả các giai đoạn trồng trọt, đóng gói, chế biến và phân phối, từ thu hoạch đến bán lẻ.

Truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng cà phê nhân giúp đảm bảo chất lượng, tính minh bạch. Ảnh minh họa

Trong các trường hợp cụ thể, có thể có các yêu cầu dữ liệu khác nhau và cũng có sự nhấn mạnh khác về các yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, bên cạnh nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”, có thể có các yêu cầu bổ sung.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc có thể được sử dụng nhưng không giới hạn trong các vấn đề cung cấp bằng chứng tuân thủ cho các cơ quan chức năng và đối tác thương mại; Cung cấp dữ liệu cho người tiêu dùng; Quản lý nhà cung ứng; Hỗ trợ thu hồi sản phẩm.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được trao đổi giữa các bên tham gia trong toàn chuỗi. Tất cả các bên liên quan này có các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Để có khả năng truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối hiệu quả, các công cụ này phải được kết nối với nhau thông qua một ngôn ngữ chung (hoặc “có thể tương tác”). Các nhà cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các bước xác định phạm vi của hệ thống; xác định vai trò của các bên trong chuỗi cung ứng; mô tả sản phẩm; xác định các quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phân tích truy xuất nguồn gốc; tiến hành các hoạt động thử nghiệm, khảo nghiệm; lập văn bản và lưu hồ sơ. Các đối tượng truy xuất bao gồm cả sản phẩm chưa bao gói và đã bao gói; thùng cac-tông, vật chứa tái sử dụng được dùng trong vận tải; phương tiện vận tải v.v...

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xác định đối tượng cần truy xuất nguồn gốc (vật phẩm có thể truy xuất). Vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc có thể là sản phẩm hoặc thương phẩm; đơn vị logistic; chuyến hàng hoặc sự di chuyển của một sản phẩm hoặc thương phẩm; tài sản (ví dụ: túi, sọt, thùng tái sử dụng).

Phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất nhằm đảm bảo các bên cùng truy xuất một đối tượng. Mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng.

Về định danh đối tượng truy xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng cà phê nhân phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850. Tất cả vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải được định danh theo TCVN 12850 và thông tin này được chia sẻ cho tất cả các đối tác chịu ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng.

Ở mức tối thiểu, việc định danh các sản phẩm để truy xuất nguồn gốc yêu cầu ấn định một GTIN đơn nhất; ấn định mã số lô/mẻ (hoặc số xê-ri). Khi một sản phẩm được định hình lại và/hoặc bao gói lại, sản phẩm mới phải được ấn định một mã định danh sản phẩm đơn nhất mới cần duy trì mối liên kết giữa các sản phẩm trước và sau khi định hình lại và/hoặc bao gói lại.

Tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng phải kết nối có hệ thống dòng sản phẩm với dòng thông tin về sản phẩm. Mã định danh vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải được truyền đạt trên các tài liệu thương mại có liên quan.

Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc (cơ sở sản xuất, kinh doanh) phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp (nhà cung cấp) và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của các vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Đây là nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”. Điều này yêu cầu các đối tác trong chuỗi cung ứng thu thập, ghi lại/lưu giữ và chia sẻ những phần thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.

Nhãn thể hiện mã định danh vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải ở trên bao gói cho đến khi thương phẩm đó được tiêu dùng hoặc tiêu hủy (bởi đối tác thương mại tiếp theo). Nguyên tắc này áp dụng khi vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc là một phần của hệ thống phân cấp đóng gói lớn hơn. Để đảm bảo việc chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh cần có sẵn một đội truy xuất nguồn gốc và diễn tập việc thu hồi để kiểm tra tại chỗ đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Yêu cầu ghi nhãn đối tượng truy xuất thì mã định danh tự động là điều kiện tiên quyết để truy xuất nhanh và chính xác các đối tượng truy xuất, ở mức độ tối thiểu, mã định danh (GTIN hoặc SSCC), ID lô/mẻ cần phải được ghi nhãn trên đối tượng truy xuất. Việc mã hóa các phần tử dữ liệu cần thiết khác như ngày thu hoạch hoặc ngày đóng gói, thường cũng sẽ hữu ích. Điều này có thể đạt được thông qua mã vạch và thẻ RFID. Để chọn mã vạch phù hợp tùy thuộc vào quyết định được xử lý dưới dạng sản phẩm có khối lượng cố định hoặc sản phẩm có khối lượng thay đổi. 

Thùng sản phẩm phải được dán nhãn rõ ràng với cùng thông tin truy xuất nguồn gốc ở dạng chữ. Nhãn phải ghi rõ ràng các phần tử dữ liệu, ví dụ: “Số lô/mẻ” theo sau là giá trị số lô/mẻ. Ngoài dạng chữ, có thể sử dụng mã vạch để trao đổi dữ liệu truy xuất nguồn gốc. Các mã GS1-128 tuyến tính, GS1 DataBar mở rộng và GS1 DataBar mở rộng xếp chồng cho phép sử dụng các mã định danh ứng dụng GS1 (AI) để xác định các phần tử dữ liệu khác nhau trong một mã vạch trên từng thùng.

Nhà cung cấp phải thiết lập định danh sản phẩm ở cấp độ thùng, sử dụng GTIN và số lô/mẻ, để cho phép truy xuất nguồn gốc hoặc thu hồi sản phẩm hiệu quả. Cũng có thể sử dụng số xê-ri cho từng thùng thay vì số lô/mẻ. Số lô/mẻ hoặc số xê-ri phải được cung cấp cùng với GTIN. Bảng 8 tóm tắt các dữ liệu truy xuất nguồn gốc có thể quét được và có thể đọc được.

Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của các đơn vị logistic, cần phải dán nhãn các pa-let và thùng lớn cũng như các đơn vị nhỏ hơn như hộp khi được vận chuyển độc lập. Nhãn logistics GS1 là một định dạng tiêu chuẩn đưa ra cách định vị, định dạng chữ và mã vạch, SSCC là phần tử bắt buộc duy nhất trên nhãn. Có thể bao gồm các phần tử dữ liệu bổ sung cung cấp thông tin về cách vận chuyển, điểm đến và khối lượng của đơn vị logistic.

Link bài đăng: https://vietq.vn/yeu-cau-truy-xuat-nguon-goc-doi-voi-chuoi-cung-ung-ca-phe-nhan-theo-tieu-chuans22-d223511.html

Nguồn: vietq.vn

More