Nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: “Trồng giống lúa chịu mặn kết hợp nuôi rươi trên ruộng trũng nhiễm mặn tại huyện Quảng Ninh”

Font size : A- A A+
     Ngày 7/12/2020,  Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Trồng giống lúa chịu mặn kết hợp nuôi rươi trên ruộng trũng nhiễm mặn tại huyện Quảng Ninh”, do Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Thế Lộc chủ trì thực hiện.

      Rươi là loại sản vật mà thiên nhiên có ở những bãi bồi nằm ở ven sông dưới tác động của thủy triều lên xuống. Rươi có giá trị kinh tế vô cùng lớn, chính vì vậy nhiều địa phương trong nước đã áp dụng mô hình bán hoang dã để nuôi rươi bằng cách khoanh vùng và bảo vệ môi trường tự nhiên để rươi tự phát triển rồi thu hoạch. Đây là mô hình nuôi bán hoang dã mang lại sản lượng rươi chất lượng và an toàn cung cấp cho thị trường.

     Mục tiêu của nhiệm vụ là cải tạo vùng đất ruộng trũng nhiễm mặn, canh tác kém hiệu quả ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình theo phương pháp trồng lúa hữu cơ tạo môi trường tự nhiên cho rươi sinh trưởng và phát triển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường tự nhiên, đồng thời nâng cao năng thu nhập cho người nông dân thông qua việc bán sản phẩm sạch có giá trị kinh tế cao hơn.

     Với hai đối tượng nghiên cứu là rươi và giống lúa chịu mặn OM18 được trồng theo phương pháp hữu cơ, trên vùng ruộng trũng sát bờ sông ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Sau gần một năm thực hiện, nhiệm vụ đã đạt kết quả như sau: Đối với rươi: Tỷ lệ sống của rươi sau 3 tháng nuôi đạt 47,7%, và giảm theo các giai đoạn, đến giai đoạn 5 tháng nuôi thì chỉ còn 34,7%; rươi sinh trường và phát triển khá, sau 5 tháng nuôi đạt trọng lượng 0,42g/con; năng suất rươi sau 5 tháng nuôi đạt 21,84 kg/sào, sản lượng đạt 436,8 kg/ha; thời vụ thả giống rươi thích hợp là vào kỳ con nước ở tháng 4 dương lịch. Đối với giống lúa OM18:  Lúa đưa vào canh tác phù hợp với chân đất ruộng trũng nhiễm mặn ven sông trên địa bàn huyện Quảng Ninh; thời gian sinh trưởng ngắn 120 ngày, khả năng đẻ nhánh hữu hiệu khá, trổ nhanh, cứng cây, chống chịu khá tốt đối với sâu bệnh hại, chịu được độ mặn lên đến 4%; năng suất lúa được canh tác theo hướng hữu cơ đạt khá 42,7 tạ/ha.

     Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá cao những thành công đã đạt được của nhiệm vụ, đồng thời tham gia đóng góp một số ý kiến về chuyên môn để nhiệm vụ hoàn thiện.

Nguồn: TT Ứng dụng và Thống kê KH&CN

More