TCVN 8617:2023 về khí thiên nhiên - hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông

Font size : A- A A+

Tiêu chuẩn TCVN 8617:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm đưa ra các yêu cầu cho quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng hệ thống nhiên liệu cho động cơ, thiết bị, phương tiện phân phối tồn chứa nhiên liệu khí thiên nhiên nén, hóa lỏng trên tất cả các phương tiện giao thông.

Cụ thể, Tiêu chuẩn TCVN 8617:2023 về khí thiên nhiên (NG) - hệ thống nhiên liệu cho phương tiện giao thông đưa ra các yêu cầu cho quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng hệ thống nhiên liệu cho động cơ sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên tất cả các loại phương tiện giao thông và các thiết bị, phương tiện phân phối, tồn chứa nhiên liệu liên quan bao gồm: Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM); Nhà sản xuất hoặc thay đổi kết cấu/cải hoán phương tiện giai đoạn cuối cùng (FSVIM); Hệ thống tiếp nhiên liệu cho phương tiện giao thông.

Tiêu chuẩn này cũng quy định các yêu cầu cho quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng cho hệ thống động cơ sử dụng nhiên liệu LNG trên tất cả các loại phương tiện giao thông và các hệ thống phân phối, chuyển đổi nhiên liệu LNG-CNG với dung tích tồn chứa LNG của các bồn chứa theo quy chuẩn ASME (American Society of Mechanical Engineers- quy chuẩn về nồi hơi và bình chứa chịu áp, 2017) có dung tích 379 m3 trở xuống.  

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho những phương tiện và bồn chứa nhiên liệu được đề cập trong các tiêu chuẩn an toàn của xe cơ giới khác. Các phương tiện đề cập trong tiêu chuẩn này bao gồm các phương tiện đường thủy, đường bộ, đường sắt, sử dụng cho mục đích cá nhân và công nghiệp.

Tiêu chuẩn này hướng dẫn các yêu cầu tối thiểu phòng tránh các nguy cơ cháy và nổ liên quan đến hệ thống nhiên liệu động cơ CNG và LNG trên các loại phương tiện và cho các trạm/thiết bị tiếp nhiên liệu và kho chứa liên quan.

Việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông cần đảm bảo theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Yêu cầu về quản lý trạm, các yêu cầu cho hệ thống cung cấp nhiên liệu CNG, Hệ thống chuyển đổi LNG-CNG (LCNG) và LNG để tồn chứa và phân phối đối với tòa nhà hoặc công trình thì thiết bị nén, thiết bị phân phối và bồn chứa được kết nối để sử dụng phải được phép đặt bên trong các tòa nhà dành riêng cho các mục đích này hoặc trong các phòng bên trong gắn liền với các tòa nhà được sử dụng cho các mục đích khác phù hợp với yêu cầu.

Đối với các phòng bên trong tòa nhà hoặc gắn liền với các tòa nhà khác phải được xây dựng bằng vật liệu không cháy hoặc cháy hạn chế. Kính cửa sổ phải được phép làm bằng nhựa. Các bức tường hoặc vách ngăn bên trong phải liên tục từ sàn đến trần, được cố định phù hợp với các yêu cầu của các tiêu chuẩn xây dựng và phải có chỉ số chịu lửa ít nhất là 2h (theo TCVN 2622, phân cấp theo công trình, bậc 2 (90 min)). Phải có ít nhất một bức tường bên ngoài.

Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy tại trạm các hệ thống LNG, LCNG, CNG và các hệ thống khí/lạnh sâu khác phải được phép sử dụng các giá trị xen kẽ khoảng cách địa điểm, yêu cầu vận hành và vị trí thiết bị với sự xác nhận của người có trình độ chuyên môn đã được chứng minh về hệ thống cơ khí, hệ thống điện, hệ thống tồn chứa khí, hệ thống tồn chứa lạnh sâu, phòng cháy chữa cháy và phát hiện khí.

Hệ thống phát hiện khí, báo động và dừng khẩn cấp cho trạm và các bộ phận của trạm phân phối phải được liệt kê hoặc phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Sau khi lắp đặt, hệ thống phát hiện khí phải có khả năng phát ra cảnh báo bằng âm thanh không tự động tắt và chỉ thị bằng hình ảnh (ánh sáng, đèn, chỉ số trên màn hình) khi nồng độ khí cháy đạt đến giới hạn 20 % LFL (lower flammable limit- giới hạn dưới khả năng cháy).

Hệ thống thiết bị CNG và LNG được sử dụng phải phù hợp và các khoản cụ thể về nhiên liệu. Khi có mâu thuẫn giữa các yêu cầu chung và các yêu cầu cụ thể, các yêu cầu cụ thể phải được áp dụng. Các thiết bị an toàn không chuyên dụng phải đảm bảo độ an toàn tương đương với các thiết bị/bộ phận khác của hệ thống.

Đối với thiết bị nén, tồn chứa và phân phối ngoài trời trạm nhiên liệu phải được che chắn bằng kết cấu bảo vệ thời tiết (xây dựng đúng tiêu chuẩn) và có mái được thiết kế để thông gió và phân tán khí thoát ra ngoài, phải ở trên mặt đất. Không được đặt ở vị trí có thể bị ảnh hưởng bởi sự cố của đường dây điện trên cao có điện thế cao hơn 600 V trừ khi biện pháp bảo vệ được phê duyệt. Phải có khoảng cách tối thiểu 3 m với tòa nhà quan trọng lân cận hoặc dãy công trình liền kề có thể có thể tồn tại bất kỳ nguồn đánh lửa nào. Phải có khoảng cách tối thiểu 3 m tính từ đường công cộng hoặc vỉa hè gần nhất và có khoảng cách tối thiểu 15 m tính từ đường ray gần nhất của bất kỳ tuyến đường ray chính nào.

Yêu cầu về lắp đặt hệ thống CNG phải được giám sát bởi nhân viên có kinh nghiệm với các quy định có liên quan đến việc thi công và sử dụng chúng. Không được phép sử dụng CNG vận hành các thiết bị nào chưa được thiết kế hoặc sửa đổi phù hợp với CNG. Thiết bị phân phối nhiên liệu CNG cho khu dân cư được liệt kê hoặc phê duyệt để tiếp nhiên liệu ngoài trời phải có công suất không được vượt quá lưu lượng 0,28 m3/min của dòng khí thiên nhiên đầu vào. Đối với thiết bị trong nhà, tổng thể tích khí tồn chứa trong một khu dân cư không được vượt quá 0,25 m3. CNG được phép chứa trong bồn chứa nhiên liệu của phương tiện giao thông.

Việc lắp đặt hệ thống LNG phải được giám sát bởi nhân viên có kinh nghiệm với các quy định có liên quan đến việc thi công và sử dụng chúng. Quá trình chế tạo, xây dựng và kiểm tra nghiệm thu các thành phần của trạm phải được giám sát để đảm bảo rằng trạm có kết cấu tốt, phù hợp với điều kiện vận hành và tuân thủ tiêu chuẩn này. Các thiết bị an toàn không chuyên dụng phải đảm bảo độ an toàn tương đương với các thiết bị/bộ phận khác của hệ thống. Việc lắp đặt, thử nghiệm, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống nhiên liệu khí của phương tiện phải tuân theo các yêu cầu cụ thể về nhiên liệu nếu có. Các sửa đổi của hệ thống nhiên liệu khí trên phương tiện phải tuân theo các khuyến nghị kỹ thuật về thông số kỹ thuật ban đầu của nhà sản xuất khung xe gốc.

Về đánh dấu trong nhãn phải bao gồm đường viền và các chữ cái “CNG” cao tối thiểu 30 mm ở giữa hình thoi và bằng vật liệu phản quang màu bạc hoặc trắng trên nền xanh lam. Ngoài việc đặt nhãn hình thoi “CNG” ở phía sau bên phải của xe, nhãn hình thoi “CNG” cũng phải được dán trên cả hai mặt của bộ nguồn. Nếu trên bộ nguồn có ghi các số hiệu và thông số kỹ thuật, nhãn phải dán gần khu vực số hiệu này. Xe có bồn chứa nhiên liệu CNG gắn trên nóc xe phải có nhãn cố định trong khoang lái đảm bảo người điều khiển có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhãn này bao gồm tổng chiều cao tối đa không tải của xe. Mỗi cụm bồn chứa CNG phải được dán nhãn cố định gần van bồn chứa như sau:

Đối với việc ghi nhãn cố định phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn về ghi nhãn và đánh dấu. Hệ thống nhiên liệu hoàn chỉnh phải được thử nghiệm rò rỉ bằng khí thiên nhiên hoặc khí trơ.

Trước khi sử dụng, mọi kết nối chưa được thử nghiệm trước đó phải được kiểm tra rò rỉ bằng dung dịch phát hiện rò rỉ không ăn mòn hoặc dụng cụ phát hiện rò rỉ sau khi thiết bị được kết nối và tăng áp đến áp suất tồn chứa của nó.

Các hệ thống chữa cháy trên phương tiện phải luôn sẵn sàng để hoạt động, cho dù phương tiện đang vận hành hay đang đậu. Hệ thống chữa cháy phải được trang bị cảm biến cháy để phát hiện, kích hoạt và xả tác nhân chữa cháy thích hợp theo khuyến nghị.

Hệ thống chữa cháy phải hoạt động độc lập với tất cả các hệ thống khác và không dùng chung các thành phần để nhận biết hoặc khởi động. Thiết bị khởi động bằng tay hoạt động độc lập phải được trang bị như là một phần của hệ thống chữa cháy và phải có thể tiếp cận được từ ghế lái xe.

Link bài đăng: https://vietq.vn/tcvn-86172023-ve-thiet-ke-lap-dat-va-bao-duong-he-thong-nhien-lieu-cho-phuong-tien-giao-thongs7-d224019.html

Nguồn: vietq.vn

More