Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Font size : A- A A+
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 24/11/2012.

 Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2013. Nghe báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về công tác dân nguyện; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và các Dự án Luật
 
Tham gia tại kỳ họp, sáng ngày 24/10/2012 Thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Đăng Quang cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Đại biểu cho rằng năm 2012 có nhiều khó khăn, nhưng với sự nổ lực quyết tâm cao của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, nỗi bật là kiềm chế được lạm phát ở một con số, kinh tế vĩ mô ổn định chuyển biến hơn, kết quả có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%), kéo theo các chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp. Đáng lo ngại là tổng cầu của nền kinh tế suy giảm mạnh, nợ xấu và hàng tồn kho tăng cao - Đây là hai nút thắt của nền kinh tế, làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ nguyên nhân cả khách quan và đặc biệt là chủ quan, nên chăng có kiểm điểm về sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
 
Đại biểu cho rằng, tác động của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến hoạt động của doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, thị trường, hạ mức lãi suất, ưu tiên tín dụng cho vay 4 lĩnh vực ưu đãi, cơ cấu lại nợ, đặc biệt Nghị quyết 13/CP đã bước đầu trợ giúp doanh nghiệp giảm bớt được một số áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay.
 
Đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế: Tác động của các chính sách có một số mặt đạt hiệu quả chưa cao, chưa quyết liệt, độ trể của chính sách làm chậm triển khai một số ưu đãi cho doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thua lỗ, nợ ngân hàng, không tiếp cận được vốn; các doanh nghiệp nhỏ hầu như không nhận được nhiều lợi ích từ gói hỗ trợ của Chính phủ; chính sách giảm, giản thuế chưa tác động có hiệu quả. Việc tăng giá một số mặt hàng điện, xăng, dầu có thời điểm không thích hợp - có thể nói, đó là những động thái đi ngược lại với một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá lại tác động của các chính sách trong thời gian qua, từ đó thấy được những khó khăn phát sinh mới để có sự lựa chọn chính sách phù hợp, như chính sách kiểm soát lạm phát, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách hạ trần lãi suất, giản nộp thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách tăng giá điện, xăng, dầu, thuế đất…
Hiện nay, nguy cơ của nền kinh tế đang rơi vào vòng xoáy: “kinh tế suy giảm, nợ xấu gia tăng, tín dụng tắc nghẽn, việc làm giảm, chi tiêu giảm”. Trong giải pháp đề ra của Chính phủ chưa cụ thể, vì vậy Chính phủ cần cân nhắc kỹ các nguồn lực, các biện pháp căn cơ, quyết liệt, nhất là trong việc xử lý nợ xấu và giải quyết hàng tồn kho để kích thích nền kinh tế ở mức hợp lý.
 
Về chỉ tiêu năm 2013, đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ các nguồn lực và phải đặt trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế để xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho hợp lý. Đại biểu đề nghị tăng trưởng kinh tế GDP ở mức 5 - 5,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao hơn 30% GDP để ưu tiên giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và phát hành trái phiếu công trình mở rộng quốc lộ 1A; cân nhắc lại các chỉ tiêu về tạo việc làm khoảng 1,59 triệu lao động, tỷ lệ giảm 2% hộ nghèo, vì năm 2013 có nhiều khó khăn, nhiều nguồn lực bị cắt giảm.
Về nhiệm vụ và giải pháp, đại biểu Hoàng Đăng Quang đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về đầu tư công, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Về dự toán thu ngân sách năm 2012, đại biểu cho rằng, kết quả thu ngân sách năm nay đạt thấp nhất so với các năm trước, hụt thu khá lớn, thu từ sản xuất kinh doanh giảm mạnh, nợ đọng thuế còn nhiều,… Về chi ngân sách năm 2012, đại biểu kiến nghị, việc phân bổ, giao dự toán ngân sách Nhà nước còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, hiệu quả sử dụng đồng vốn và tăng chuyển nguồn. Vừa qua, việc bố trí vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, ngành Trung ương đối với một số chương trình chiếm tỷ lệ lớn - đó là điều chưa hợp lý. Đề nghị Quốc hội phân cấp cho các tỉnh quản lý các chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2013 để địa phương chủ động, điều tiết, lồng ghép các chương trình nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
 
Đối với phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ, cần bố trí linh hoạt hơn, tùy theo điều kiện có thể bố trí cao hơn 45.000 tỷ đồng (khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng) để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, hỗ trợ đầu tư một số công trình trọng điểm, bức xúc, như mở rộng quốc lộ 1A,… miễn là không vượt quá tổng mức (225.000 tỷ đồng) theo Nghị quyết Quốc hội. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh cân đối thu ngân sách gặp khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, chúng ta chưa thể giảm mạnh chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước để tái cơ cấu đầu tư công. Đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới (dự toán bố trí 1.700 tỷ đồng là rất thấp); có cơ chế hỗ trợ đầu tư khu kinh tế ven biển, khu du lịch, xây dựng một số công trình quan trọng ở các tỉnh khó khăn, không cân đối được ngân sách, đặc biệt là những công trình Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc, hiện nay địa phương đã khởi công thì Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho tỉnh. Đối với chi thường xuyên, đại biểu đề nghị cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, như hội họp, đi nước ngoài, lễ hội, khai trương, khánh tiết, mua xe công,… để bố trí nguồn tăng lương trong năm 2013. Đề nghị có nguồn dự phòng để tăng chi cho các cơ quan Đảng khi thành lập Ban Nội chính, Ban Kinh tế theo Nghị quyết của Trung ương; bố trí nguồn cho việc điều chỉnh một số chế độ, chính sách cho cán bộ cấp cơ sở, thôn, bản sau khi điều chỉnh Nghị định 92/NĐ-CP của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Dự trữ Quốc gia
 
Chiều ngày 24/10/2012 Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật dự trữ quốc gia, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tỉnh ủy viên, P. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao về việc chỉ đạo của Ủy ban thường vụ đối với Ban soạn thảo trong việc tiếp thu, điều chỉnh và giải trình. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện và thông qua Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị: 

Cần phải rà soát lại ngôn ngữ diễn đạt trong các chương, mục tránh trùng lặp, thiếu chặt chẻ, làm cho nội dung luật trong sáng, rõ nghĩa hơn. Đại biểu chỉ rõ: Tại Điều 1, chưa đầy 4 dòng viết nhưng cụm từ “Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách”, hai lần xuất hiện, vừa lặp, vừa làm cho các đại biểu khác hiểu sai về nghĩa. Tại Điều 2, có 3 dòng nhưng cũng viết lặp cụm từ: “Hình thành tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia”.
 
Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “Tham gia bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội”, vào mục tiêu của dự trữ quốc gia; đề nghị giải thích lại cụm từ: “Dự trữ quốc gia là dự trữ của Nhà nước”, vì đã đánh đồng khái niệm, sai về nghĩa, làm phát sinh mâu thuẩn ngay trong giải trình, tiếp thu của Ban soạn thảo: “Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ của Nhà nước và huy động từ nhiều thành phần kinh tế, do Nhà nước quản lý…”.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương không đồng tình với một số đại biểu đề nghị không đưa vào luật “Người làm công tác dự trữ được hưởng phụ cấp thâm niên” hoặc chỉ cho hưởng phụ cấp độc hại, cần viết lại cho phù hợp. Theo đại biểu Phương, Luật qui định: “Người làm công tác dự trữ quốc gia được hưởng phụ cấp thâm niên, tùy theo nghề, lĩnh vực và công việc đảm nhận” như thế là chặt chẻ, vì rõ đối tượng được hưởng, những người làm trong lĩnh vực dự trữ họ tiếp cận với những độc hại khử khuẩn, khử trùng, thuốc chống dịch bệnh... Ảnh hưởng của độc hại này khi đang công tác và theo họ suốt cả cuộc đời. Vì thế cho hưởng thâm niên là đúng và như thế mới được tính vào lương khi nghỉ hưu.
 
Tại Điều 17 qui định quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa chính xác; UBND tỉnh không tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mà chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đề nghị diễn đạt lại, ghép điểm 1 và 2 của Điều này thành một vừa gọn, vừa rỏ nghĩa.
Đại biểu đề nghị đưa vào luật qui định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành khi để xẩy ra sai phạm làm thất thoát nguồn dự trữ quốc gia; bổ sung hướng dẫn của Chính phủ trong một số điều, nếu không sau ban hành luật sẻ khó khăn cho việc thực hiện luật.
 
Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 25/10/2012, về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được quy định từ Điều 93 đến Điều 102 của Luật; đặc biệt là các biện pháp kê biên tài sản, khấu trừ lương, thu nhập; đồng thời, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh về tính đồng bộ thống nhất trong dự án của Luật. Điều đáng lưu ý của Luật quản lý thuế lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều cho nên những điều mà được sửa đổi, bổ sung cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất đối với những điều mà không được bổ sung trong Luật này.
 
Chiều 26/10/2012, thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác của Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2012 - Đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm ở một số lĩnh vực chưa nghiêm, nhiều trường hợp chỉ xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, ít xử lý hình sự, có biểu hiện hành chính hóa, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
 
Tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, số vụ việc tăng nhưng việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng, việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo còn nhiều, gây hoài nghi và bức xúc trong nhân dân, đề nghị làm rõ các trường hợp tham nhũng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như Vinasin, Vinaline…trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cần được làm rõ?
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn? Cần làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc để xảy ra một số vụ việc tiêu cực trong các ngân hàng thương mại gần đây?
 
Chiều 27/10/2012, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô, đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai. Đại biểu đề nghị tại Điều 2, giải thích từ ngữ, cần làm rõ khái niệm Vùng Thủ đô, xác định cụ thể phạm vi, quy mô Vùng Thủ đô. Tại Điều 3 - cần khẳng định: Thủ đô là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
 
Về biểu tượng của Thủ đô (quy định tại Điều 6), cần thể hiện rõ biểu tượng của Thủ đô trong Luật này. Tại Điều 19, về quản lý dân cư, Khoản 4 quy định việc đăng ký thường trú ở nội thành có 2 phương án, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án không quy định hạn chế đăng ký thường trú ở nội thành, vì ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Tại Điều 21 về chính sách, cơ chế tài chính, đại biểu đề nghị chọn phương án 2 và bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND và UBND thành phố Hà Nội có cơ chế ưu tiên phát triển Thủ đô, có cơ chế thu hút các nguồn vốn xây dựng Thủ đô. Tại Điều 23 - cần bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo HĐND và UBND thành phố Hà Nội xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Cũng tại Điều này, cần xác định rõ UBND các tỉnh trong Vùng Thủ đô là những tỉnh nào? Trong dự án Luật không có quy định cụ thể. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo viết lại một số Điều (Điều 9 - Khoản 4,5; Điều 10 - Khoản 3; Điều 12-Khoản 1, điểm b-Khoản 3; Điều 18-Khoản 2) bảo đảm chặt chẽ hơn, thể hiện đúng văn ngữ của Luật.
 
Đại Nguyễn Mạnh Cường cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc lại những vấn đề về thẩm quyền của HĐND và UBND Hà Nội trong việc ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên đối với Hà Nội ở một số chỉ tiêu so với các tỉnh khác trong cả nước. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính, do Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định về thẩm quyền của HĐND Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương được quy định mức xử phạt tại 3 lĩnh vực cao hơn gấp 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định bổ sung thêm các lĩnh vực khác cũng được quy định mức xử phạt cao hơn trong Luật Thủ đô.
 
Về biểu tượng của Thủ đô, đại biểu đề xuất Quốc hội nên có quy trình và quy định cụ thể để chọn biểu tượng phù hợp, mô tả đặc điểm cụ thể và có quy định trong Luật một cách chặt chẽ.
Chiều 29/10/2012, thảo luận tại tổ về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có đồng chí Hoàng Đăng Quang; Nguyễn Ngọc Phương; Trần Minh Diệu; Lê Khánh Nhung tham gia thảo luận.
 
Các ý kiến cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI). Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm thực hiện có hiệu quả, nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, việc làm này cần thận trọng, nên chăng làm thí điểm một số chức danh để rút kinh nghiệm, chúng ta không nên làm quá nhiều chức danh, vì vậy phải cân nhắc kỹ để làm có thực chất, tránh hình thức. Đại biểu đề nghị trước mắt làm thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh hành pháp và tư pháp (ở Trung ương, gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Ở địa phương, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân). Về thời hạn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không nên làm theo hằng năm, mà nên tổ chức hai lần trong một nhiệm kỳ để có thời gian theo dõi, nhận xét, đánh giá đúng cán bộ. Đại biểu cũng đề nghị trong Nghị quyết lần này nên quy định về Quy chế văn hóa từ chức đối với các chức danh cần lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. C ác ý kiến nhất trí đề nghị 2 mức đánh giá “tín nhiệm và không tín nhiệm”.
Tuần làm việc tiếp theo Đoàn sẻ tham gia thảo luận ở tổ và hội trường về tình hình kinh tế xã hội; về phòng chống tham nhũng và dự thảo của một số dự án Luật… (Còn nữa).

(Theo (Website Quảng Bình)

More