Nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm: “Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn”

Font size : A- A A+
       Ngày 11/12/2018, tại Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm: “Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn”. Dự án do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh chủ trì thực hiện.

       Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn hiện đang sản xuất ổn định. Do nguồn sắn nguyên liệu ngày càng tăng và nhà máy đang nâng dần công suất chế biến nên mỗi năm sản lượng tiêu thụ khoảng 40.000 tấn củ săn tươi, tạo ra khoảng 10.000 tấn tinh bột sắn và khoảng 25.000 tấn bãn sắn tươi.

      Với mục tiêu của dự án là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ bã sắn; tận dụng có hiệu quả nguồn phụ phế phẩm từ quá trình chế biến tinh bột sắn của nhà máy để tạo ra nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành thấp thay thế một phần các nguồn nguyên liệu thức ăn có giá thành cao khác, đáp ứng cho nhu cầu chăn nuôi của Công ty và cung ứng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Từ đó có khả năng chuyển giao, nhân rộng vào sản xuất ở các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh và trong khu vực.

      Sau 15 tháng triển khai thực hiện, dự án đã sản xuất được 150 tấn thức ăn dạng ướt với 78 lần lên men; thời gian ủ lên men mỗi khối ủ từ 05 - 07 ngày để đảm bảo quá trình lên men và độ PH ổn định. Kết quả theo dõi bước đầu khi cho bò, lợn thịt ăn thức ăn bã sắn lên men cho thấy: Bò, lợn thích ăn bã sắn lên men, giảm triệu chứng bệnh về đường ruột, giảm mùi hôi của phân. Việc bổ sung thức ăn bã sắn lên men có tác dụng tích cực đến khả năng tăng trọng, tiêu tốn thức ăn của lợn thịt nuôi thử nghiệm và tăng hiệu quả kinh tế.

      Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án. Việc áp dụng công nghệ lên men có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất; tính hiệu quả nguồn phụ phế phẩm từ quá trình chế biến tinh bột sắn của nhà máy. Việc sử dụng bã sắn để lên men bằng chế phẩm sinh học làm thức ăn chăn nuôi sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, rẻ tiền ở địa phương, góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nhà máy tinh bột Long Giang của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh.

                                                                                                         Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN.

More