Hội thảo nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu bổ sung và biên soạn những giá trị văn hóa trên địa bàn Quảng Bình”

Font size : A- A A+

Ngày 2/2/2018, Sở KH&CN tổ chức hội thảo nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu bổ sung và biên soạn những giá trị văn hóa trên địa bàn Quảng Bình”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh Quảng Bình.

Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, đồng thời khai thác những thành tựu và nguồn lực xã hội phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trở thành một nhu cầu cấp bách.

Với tinh thần đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội đã nghiên cứu và công bố nhiều công trình khoa học và tài liệu chuyên đề nhằm phát hiện, khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh những kết quả đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau hầu hết các công trình nghiên cứu đã công bố hoặc chỉ chuyên sâu khảo cứu một hay một vài loại hình sinh hoạt văn hóa, xã hội, hoặc mô tả có tính phổ quát theo nhiều góc nhìn khác nhau. Trước thực trạng trên, việc tổ chức chỉnh lý, sưu tầm, bổ sung và biên soạn một bộ sách chuyên đề về di sản, thành tựu và nguồn lực văn hóa, xã hội tỉnh Quảng Bình để làm luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chiến lược phát triển văn hóa, xã hội trong giai đoạn hiện nay và mai sau… là một nhu cầu thiết thực.

Mục tiêu của nhiệm vụ KH&CN là nghiên cứu, bổ sung các di sản, thành tựu và nguồn lực văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mà các thế hệ tiền bối đã sáng tạo qua quá trình lịch sử, phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Kết quả sau một thời gian nghiên cứu, nội dung nhiệm vụ được nhóm nghiên cứu gồm 10 chương về vùng đất và danh xưng qua các thời kỳ lịch sử; về cộng đồng dân cư – chủ nhân văn hóa vùng đất Quảng Bình; những thành tựu văn hóa thời kỳ tiền, sơ sử; văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình; Cảnh quan và di tích kiến trúc, nghệ thuật; những dấu ấn văn hóa truyền thống; tín ngưỡng và tôn giáo; danh nhân; văn học và ngôn ngữ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và đại diện các sở, ban ngành đã tập trung đi sâu vào từng chương, từng vấn đề để thảo luận, góp ý bổ sung, chỉnh sửa nhằm làm cho nội dung của nhiệm vụ được hoàn thiện và đạt kết quả tốt nhất.

Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

More