Ấn tượng khoa học và công nghệ 2015

Font size : A- A A+

Tối ngày 24/12/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Chào Xuân với chủ đề: “Ấn tượng khoa học và công nghệ 2015”. Chương trình nhằm tổng kết và tôn vinh các sự kiện, thành tựu tiêu biểu trong năm của ngành KH&CN.

Năm 2015 ghi nhận có nhiều thành quả quan trọng đối với ngành KH&CN nước nhà, trong đó có những công trình mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và an ninh quốc phòng.


Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; GS.TSKH Dương Ngọc Hải- Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam; Ông Nghiêm Vũ Khải- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Ông Đoàn Hùng Minh- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và các khách mời tới từ các cơ quan Trung ương, Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.


Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành, các nhà khoa học tham dự Chương trình "Ấn tượng khoa học và công nghệ 2015" (Ảnh Loan Lê)
 

Năm 2015, Ban tổ chức đã công bố 9 sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2015, được bình chọn bởi các nhà quản lý uy tín, các nhà khoa học lớn trong cả nước, thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, cơ khí chế tạo, y dược, khoa học trong nông nghiệp, công nghệ cao, đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước… Đặc biệt, những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực này đều có bước đột phá, tạo tiền đề lớn cho ngành KH&CN trong những năm tiếp theo.

Theo đó 9 sự kiện nổi bật được Ban tổ chức lựa chọn gồm:

1. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu và các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015

1.1. Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu năm 2015

Ngày 12/5/2015, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức buổi “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 lần thứ 2.

Mục đích của buổi gặp mặt nhằm khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của các nhà sáng chế không chuyên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên và sản phẩm độc đáo có giá trị được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, tiết kiệm chi phí và thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt của người dân, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015

Ngày 11/9/2015, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp mặt của Lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này.

Buổi gặp mặt nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của nhà khoa học trẻ đối với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nói riêng. Trên cơ sở đó, khuyến khích, động viên đội ngũ nhà khoa học trẻ tiếp tục phát huy đam mê, tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đưa KH&CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, và bảo vệ Tổ quốc.

2. Việt Nam tăng 19 bậc và đứng thứ 52 thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Đổi mới sáng tạo được xem như là một động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2015, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) với các tiểu chỉ số đầu ra và đầu vào, Việt Nam đã có bước tiến vượt trội (đứng thứ 52/141 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng) so với 71 (năm 2014) và 76 (năm 2013 và 2012).

Thứ hạng cao của GII đầu ra đã cho thấy kết quả đầu tư của nhà nước cho KH&CN được đánh giá tốt hơn. Các sản phẩm đầu ra sáng tạo như: các bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế gia tăng; số sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ gia tăng; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng cao hơn vào sản xuất, đời sống. Đây cũng là một chỉ báo tốt rằng việc thực thi Luật KH&CN đang từng bước đạt được hiệu quả.

Kết quả này cũng phần nào thể hiện sự nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường KH&CN.

3. Chế tạo, thử nghiệm thành công một số vũ khí mới

Ngày 18/9/2015, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tổ chức bắn trình diễn thành công vũ khí mới là sản phẩm của Đề án KC.NQ06 và một số nhiệm vụ độc lập cấp Bộ Quốc phòng do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chủ trì nghiên cứu, thiết kế và chế thử.

Kết quả bắn trình diễn cho thấy, các nhà khoa học trong quân đội đã nghiên cứu, chế tạo được các sản phẩm vũ khí mới có ý nghĩa cao về khoa học, đáp ứng cho nhu cầu trang bị của quân đội. Ngoài ra, việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh các sản phẩm vũ khí, khí tài phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam, giúp ứng dụng hiệu quả trong hoạt động tác chiến trong điều kiện mới. 


Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng và Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phụ trách Phòng Đạn, Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trao đổi trong Chương trình (Ảnh: Loan Lê)

4. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 và những thành tựu nổi bật về ứng dụng KH&CN tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong 5 năm qua, Chương trình KC.10/11-15 đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ y học tiên tiến, thực hiện được các nội dung và mục tiêu của chương trình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời nâng cao trình độ KHCN y dược trong nước, đưa trình độ y học nước ta theo kịp các nước trên thế giới. Ngoài ra, Chương trình đã có hiệu quả lớn về mặt kinh tế và ý nghĩa lớn về mặt xã hội trong các lĩnh vực: Ghép tạng; Phẫu thuật nội soi; Kỹ thuật can thiệp mạch; Y học hạt nhân; Ứng dụng công nghệ sinh học.

5. UNESCO công nhận và bảo trợ 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam (trực thuộc Viện Toán học và Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Trong năm 2015, UNESCO đã nhất trí công nhận và bảo trợ Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam trở thành Trung tâm dạng 2 (cấp độ trung tâm có tầm nhìn, sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo trong chuyên ngành cho khu vực và quốc tế phù hợp với chính sách, chiến lược của UNESCO).

Đây là sự thừa nhận của quốc tế đối với trí tuệ Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên, văn hóa. Sự kiện này cũng khẳng định trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đóng góp cho nền khoa học cơ bản của khu vực và thế giới.

6. Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du với chủ đề: “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”

Ngày 08/8/2015, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du với chủ đề: “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”.

Hội thảo đã nhận được 108 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước cùng các nhà khoa học, các dịch giả quốc tế đến từ CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, LB Nga, CHDCND Lào, Thái Lan, CH Pháp, CHND Trung Hoa, Đài Loan.

Hội thảo cũng đã mở ra những hướng nghiên cứu mới, đặc biệt là các hướng văn học so sánh giữa Nguyễn Du với các thi hào của các dân tộc khác, giữa văn hóa, văn học Việt Nam và văn hóa, văn học các nước trên thế giới. Thành công của Hội thảo đã góp phần tạo ra một giai đoạn mới trong việc tìm hiểu, dịch thuật và nghiên cứu Nguyễn Du và sự nghiệp vĩ đại của ông, góp phần đưa những giá trị nhân văn bất hủ của ông cùng với cả dân tộc đến gần hơn với toàn nhân loại.

7. Ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia

Ngày 08/01/2015 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ khai trương Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý hoạt động KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đó là đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với thực tiễn của doanh nghiệp, KH&CN phục vụ nhu cầu từ thực tế sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ; đó là triển khai cơ chế hỗ trợ hoạt động KH&CN thông qua các Quỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức và doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN, một cơ chế phù hợp hơn với đặc thù của hoạt động đổi mới sáng tạo. 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao đổi tại trường quay về sự kiện KH&CN ấn tượng 2015 (Ảnh: Loan Lê)

 
8. Chuỗi sự kiện hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp KH&CN 2015


Việt Nam năm 2015 chứng kiến thị trường khởi nghiệp phát triển sôi động và được đặc biệt chú ý. Ngoài hàng chục quỹ đầu tư lớn nhỏ trong và ngoài nước, tham gia thị trường start-up Việt còn có hàng loạt đề án và hoạt động liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp như: Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam; Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ Việt Nam 2015; Cuộc thi Khởi nghiệp Israel; Chương trình Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu của nhà khoa học năm 2015...

9. Năm 2015 ghi nhận nhiều nhà khoa học trẻ được vinh danh trong và ngoài nước

Năm 2015 đánh dấu nhiều nhà khoa học trẻ được vinh danh như Trần Hà Liên Phương nhận Giải thưởng khoa học L’Oréal –UNESCO với nghiên cứu về hệ điều trị nano, mở ra triển vọng tìm được phương thức điều trị bệnh ung thư hiệu quả; PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp là nhà toán học Việt Nam đầu tiên ở trong nước có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica danh tiếng và trở thành chủ nhân của Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho Nhà khoa học trẻ; Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS của Trung tâm NAVIS thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội ứng dụng trong định vị có độ chính xác cao giành Giải Nhất công nghệ thông tin triển vọng trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2015.

Nguồn: http://www.most.gov.vn

More