Quản chặt việc kinh doanh và vận chuyển hóa chất theo quy chuẩn

Font size : A- A A+

Thời gian qua đã có không ít vụ người dân tự mua hóa chất về thực hiện các hành vi, trong đó có các hành vi phạm quy định pháp luật. Điều đó đặt ra việc phải quản lý, giám sát chặt chẽ kinh doanh, mua bán hóa chất để đảm bảo an toàn.

Kinh doanh, mua bán hóa chất nguy hiểm vẫn còn 'tùy tiện'

Liên quan tới hoạt động kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên (thành phố Hồ Chí Minh), đại diện Phòng Kinh tế quận 5, thành phố Hồ Chí Minh xác nhận hoạt động tại chợ Kim Biên hiện không thay đổi nhiều so với các năm trước, vẫn chưa di dời các hộ kinh doanh hóa chất như định hướng.

Theo vị này, ngành hàng kinh doanh tại chợ khá đa dạng như đồ gia dụng, mỹ phẩm, hóa chất..., trong đó lượng sạp kinh doanh hóa chất không nhiều. Tuy vậy, hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên ngoài tuân thủ luật kinh doanh chung, các tiểu thương còn phải đáp ứng các tiêu chí an toàn, kho bãi... mới được cấp giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, chính quyền cũng thường xuyên phối hợp các lực lượng khác để tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, kiểm tra giấy tờ, điều kiện kinh doanh hóa chất... tại điểm bán nhưng vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.

Chất độc xyanua đang được kinh doanh, mua bán một cách dễ dãi. Ảnh minh họa

"Nhiều tiểu thương mở cửa hàng tại chợ nhưng chủ yếu chỉ để kết nối với khách, còn lại hoạt động mua bán và giao hàng diễn ra ở bên ngoài chợ, thậm chí ở quận khác, hoặc mua bán qua kênh online nên ít nhiều gây khó cho hoạt động quản lý", vị này nói.

Để việc kiểm tra quản lý mua bán hóa chất đạt hiệu quả cao hơn cần có sự phối hợp thường xuyên giữa các ban ngành, đặc biệt vai trò của ngành quản lý thị trường. 

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh hóa chất tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cái khó hiện nay là sự nhập nhằng giữa hóa chất dùng trong công nghiệp và thực phẩm.

Do việc giám sát lỏng lẻo, quy định nhà nước chưa bao quát hết dẫn đến hoạt động mua bán và sử dụng vẫn còn dễ dãi, từ đó hóa chất công nghiệp được người dùng dễ dàng "hô biến" để dùng cho thực phẩm, cho mục đích xấu.

"Là ngành kinh doanh có điều kiện nên chúng ta phải kiểm tra chặt hơn, chế tài nặng hơn. Chẳng hạn khi mua hóa chất phải có giấy giới thiệu, phải cam kết về mục đích sử dụng, không được sang chiết dưới bất kỳ hình thức nào", đại diện doanh nghiệp nói.

Ngoài mua bán trực tiếp, hiện việc mua bán hóa chất thông qua các hội nhóm online diễn ra rất sôi động và gần như thiếu sự giám sát. Theo quy định, nhiều chất phụ gia được phép dùng trong chế biến thực phẩm nhưng phải đảm bảo liều lượng và cách dùng theo quy định. Tuy nhiên, với cách mua bán dễ dàng, gần như không có cảnh báo, lưu ý liều lượng, cách dùng như hiện nay, nhiều người cho rằng việc giám sát để đảm bảo hoạt động mua bán đúng theo quy định đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt ở kênh online.

Còn tại thành phố Hà Nội, qua đợt kiểm tra liên ngành gần đây của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tại 36 doanh nghiệp và hộ kinh doanh hóa chất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chủ yếu tại các tuyến phố: Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Nón, Phạm Ngũ Lão - nơi tập trung nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sơn, cồn, dung môi, hóa chất tẩy rửa cho thấy, về cơ bản các hộ kinh doanh đều xuất trình được giấy phép kinh doanh; hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có trang bị thiết bị bảo hộ lao động; bình cứu hỏa.... Tuy nhiên, đa số các hộ đều chưa xuất trình được giấy chứng nhận an toàn hóa chất, phiếu phân loại hàng hóa, một số mặt hàng không có nhãn mác và thông tin về độ độc hại.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khẳng định, việc buôn bán nhỏ lẻ hóa chất hầu như chưa tuân thủ các quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất. Việc san chiết hóa chất bằng chai lọ, bình, can, túi không nhãn mác diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tự trang bị kiến thức cơ bản về an toàn hóa chất, chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến ý thức chấp hành các quy định chưa cao, không triệt để.

Bà Đào Thị Phương Thủy- Kiểm soát viên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - đánh giá, việc ý thức tuân thủ của các hộ kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ vẫn chưa được tốt. Hóa chất mua về sử dụng vào mục đích nào lại càng khó kiểm soát hơn.

Sửa đổi quy chuẩn về sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm

Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi 1:2024 QCVN 05A:2020/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm. 

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu đối với nhà xưởng kho chứa, phương tiện chứa hóa chất ngoài trời; yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất dễ cháy nổ, hóa chất ăn mòn, hóa chất độc; hình đồ cảnh báo. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm và các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan.

Trước đó, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 05A:2020/BCT Bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số: 48/2020/TT-BCT, ngày 21 tháng 12 năm 2020.

Về phạm vi điều chỉnh, quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn trong sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp. Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp.

Quy chuẩn nêu rõ yêu cầu về thiết bị. Cụ thể, thiết bị sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo yêu cầu chung về an toàn theo quy định tại TCVN 2290: 1978. Khi thay thế, bổ sung các chi tiết của thiết bị làm việc với hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo độ bền cơ học, hóa học, độ chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật quy định.

Thiết bị vận chuyển hóa chất (băng tải, băng nâng...) phải có hệ thống phát tín hiệu cảnh báo trước khi khởi động. Bề mặt nóng của thiết bị và ống dẫn chứa hóa chất có thể gây ra bỏng cho người làm việc phải được che chắn cách ly. Khi vận hành, sử dụng các thiết bị chứa hóa chất chịu áp lực phải thực hiện đúng những yêu cầu trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về các thiết bị chịu áp lực và các quy định hiện hành.

Hệ thống đo lường, kiểm soát công nghệ của các thiết bị trong các quá trình sản xuất hóa chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ, hiệu chuẩn sai số đảm bảo thiết bị vận hành ổn định.

Quy chuẩn yêu cầu về phương tiện chứa và nhãn hàng hóa. Cụ thể, phương tiện chứa hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo kín và chắc chắn, chịu được những va đập và tác động của thời tiết trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp hàng hoá giữa các phương tiện và xếp dỡ vào nhà xưởng, kho chứa bằng thủ công hoặc thiết bị cơ giới. Mức độ nạp phù hợp với quy định đối với từng loại hóa chất nguy hiểm. Bao bì dùng hết phải bảo quản riêng. Trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không phản ứng với hóa chất được nạp tiếp theo. Vật liệu kê, đậy phải được đánh dấu để phân biệt từng loại hoá chất, không được dùng lẫn của nhau.

Phương tiện chứa hóa chất nguy hiểm phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung theo quy định hiện hành về ghi nhãn hóa chất. Nhãn hàng hóa của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và không bị rách. Trường hợp nhãn bị mất hoặc hư hỏng không thể hiện rõ thông tin xác định hóa chất trong thiết bị chứa, phải tiến hành phân tích, xác định rõ tên và thành phần chính của hóa chất để bổ sung nhãn mới trước khi đưa ra lưu thông hoặc đưa vào sử dụng (kể cả trong trường hợp phải tiêu hủy).

Link bài đăng: https://vietq.vn/quan-chat-viec-kinh-doanh-va-van-chuyen-hoa-chat-theo-quy-chuan-d223169.html

Nguồn: vietq.vn

More