Xét duyệt nội dung nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: “Phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ”

Font size : A- A A+

           Nấm rơm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao đã được trồng phổ biến. Tại tỉnh Quảng Bình, phong trào trồng nấm bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2004, đến nay đã hình thành nhiều cơ sở trồng nấm quy mô trên 300m2. Sản lượng nấm rơm năm 2015 của tỉnh ước đạt hơn 13 tấn.

Hiện nay, nghề trồng nấm tại Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung đang ngày càng phát triển về chất lượng và chủng loại nấm cũng như ngày càng thu hút được nhiều người dân đầu tư vào sản xuất nấm. Trên thị trường, ban đầu chỉ có một số loại nấm cơ bản như nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi,… nhưng nay đã xuất hiện nhiều loại nấm mới du nhập từ nước ngoài như nấm sò Thái, nấm sò Nhật Bản, nấm linh chi Hàn Quốc…

Cùng với sự phát triển của nghề nấm, việc nghiên cứu và sản xuất các loại giống nấm chất lượng cao, giá thành hợp lý đã và đang được các đơn vị cung cấp giống nấm ngày càng coi trọng. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại giống nấm trên các loại cơ chất khác nhau, từ cơ chất truyền thống là lúa đến cơ chất rơm rạ, mùn cưa, que sắn… Trong hai loại giống nấm trên chất lúa và cơ chất rơm rạ thì giống nấm trên cơ chất lúa, trên bao bì có xuất xứ rõ ràng, giống trên cơ rơm rạ được người dân đặt mua trôi nổi trên thị trường, khó truy xuất nguồn gốc.

Để phục vụ người trồng nấm ngày càng tốt hơn đồng thời tạo điều kiện cho người dân được sử dụng giống nấm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang thương hiệu Quảng Bình, việc phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ là rất cần thiết.

Với mục tiêu là sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ, từ đó làm phong phú thêm nguồn giống nấm rơm, góp phần đẩy mạnh nghề trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngày 30/8/2017, Hội đồng Khoa học đã tiến hành xét duyệt nội dung nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: “Phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ”.

Sau khi thảo luận đánh giá, Hội đồng đã thống nhất để Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì thực hiện, với những nội dung sau:

- Phân lập giống nấm rơm từ nguồn nấm rơm của địa phương.

- Sản xuất 1.500kg giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ.

- Xây dựng mô hình đối chứng sản xuất nấm rơm trên cơ chất bông và cơ chất rơm rạ sử dụng giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ.

- Hoàn thiện quy trình phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ.

- Các chỉ tiêu theo dõi đánh giá:

+ Đánh giá ưu và nhược điểm của hai nguồn giống nấm rơm trên cơ chất hạt lúa và trên cơ chất rơm rạ.

+ Đánh giá chất lượng giống nấm rơm VQB so với giống nấm rơm VTQ.

- Địa điểm triển khai: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Bình.

 - Thời gian thực hiện nhiệm vụ: 14 tháng.

Hội đồng yêu cầu cơ quan chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện thuyết minh theo ý kiến Hội đồng để sớm ký kết triển khai đúng tiến độ nhằm mang lại kết quả tốt nhất theo mục tiêu đề ra. 

 Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

More