Chủ động sản xuất giống cá mục thương phẩm

Font size : A- A A+
 Đây là thành công của dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục (Mugil cephalus –line)” của Kỹ sư Nguyễn Minh Giáp, Giám đốc xí nghiệp thủy sản, Công ty cổ phần Thanh Hương thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

 Phù hợp với điều kiện địa phương

Quảng Bình là tỉnh Bắc Trung Bộ có khí hậu nhiệt đới gió mùa và chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, mùa nắng từ tháng 4 đến tháng 8, lượng mưa và nhiệt độ khá ôn hòa vào 24 độ - đến 25 độ. Hơn nữa, Quảng Bình có mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn. Tổng diện tích tiềm năng khoảng 15.000ha, độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10 – 15km, giao động từ 8 – 30%o độ pH rất phù hợp cho việc nuôi tôm cua cá xuất khẩu.

Từ nghiên cứu thực tế này 7/2011 – 3/2014, công ty Thanh Hương đã được Bộ KH&CN cho phép triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục (Mugil cephalus –line)”. Đây là dự án nằm trong Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011 – 2015.

Kỹ sư Nguyễn Minh Giáp cho biết, mục tiêu chung của dự án là ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật và sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá mục (Mugil cephalus) nhằm góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản Quảng Bình.

Trong đó, dự án nhằm xây dựng mô hình kết hợp với chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá đối mục; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn nông dân.

Sở dĩ, công ty chọn cá đối mục để ứng dụng kỹ thuật triển khai dự án ngoài điều kiện tự nhiên, xã hội còn có nhiều lý do khác. Đó là, cá đối mục là loài cá có giá trị và được chú ý nhất trong 5 – 7 loài thuộc họ cá đối thường gặp ở cửa sông. Loài cá này rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ, nước mặn; chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nhiệt độ 10 độ C.

Cá đối mục phân bố tự nhiên từ Bắc đến Nam, tập trung nhiều ở miền Trung. Do lợi ích kinh tế của loài cá này mà đã có nhiều tác giả nghiên cứu về loài cá này, tuy nhiên chưa có tác giả nào thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo cá giống. Năm 2009, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản – Trường Đại học Nha Trang tiếp nhận công nghệ do chuyên gia trường Đại học Sơn Đông, Trung Quốc chuyển giao công nghệ sản xuất thành công 10 vạn cá giống từ 4-6cm. Từ thành công này đã mở ra cơ hội thuận lợi giúp tiếp cận quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá này, là một trong những cơ sở quan trọng để công ty Thanh Hương triển khai dự án.

Dự án đã xây dựng mô hình nuôi chuyên canh cá đối mục thương phẩm tại một số hộ nông dân ở huyện Bố Trạch và huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Mang lại giá trị kinh tế cao

Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã được nghiệm thu với kết quả mong muốn. Dự án đã chuyển giao và tiếp nhận thành công 8 quy trình công nghệ như nuôi vỗ cá bố mẹ; kích thích sinh sản; ấp trứng, ương cá bột lên cá hương; ương cá hương lên cá giống; ấp artemia; nuôi hàu và tu hài ấu trùng và quy trình nuôi thức ăn tươi sống.

Dự án cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi chuyên canh với quy mô 1 ha vụ 1 và 0,5 ha vụ 2, đã sản xuất được 1,95 tấn cá đối mục thương phẩm, cá khi thu hoạch đạt 400 – 500g/con, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, dự án còn đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nắm vững các quy trình công nghệ, có thể chủ động sản xuất giống nhân tạo cá đối mục và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân khác. Lợi nhuận thu về từ mô hình sản xuất cá giống là 500 triệu đồng, mô hình nuôi chuyên canh cá đối mục thương phẩm là 800 triệu đồng và nuôi quảng canh cá đối mục thương phẩm là 126 triệu đồng.

Thông qua mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi cá mục tại Quảng Bình đã tạo ra việc làm cho nhiều lao động chuyên và không chuyên, thu hút người dân địa phương và các hộ dân vùng lân cận tham gia thực hiện mô hình sản xuất mới, nâng cao thu nhập cho các hộ ngư dân vùng ven biển. Dự án góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giúp xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu. Đây là động lực thúc đẩy các dịch vụ hậu cần cho nuôi trồng và chế biến thủy sản, kích thích các dịch vụ có liên quan trong xã hội phát triển như dịch vụ vận chuyển, chế biến, thương mại nhà hàng.

Cho biết về khả năng duy trì và nhân rộng mô hình này, ông Võ Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Thanh Hương chia sẻ, trên cơ sở đã nắm bắt được quy trình công nghệ, đơn vị chủ trì đã nâng cao tổng đàn bố mẹ lên, đồng thời tiến hành sửa chữa nâng cấp hệ thống sản xuất, mở rộng quy mô công nghệ hệ thống bể, ao trong trại để nâng cao công suất, tăng số lượng giống sản xuất ra mỗi vụ.

Dự án giữ mối liên hệ chặt chẽ với các trung tâm sản xuất giống trong và ngoài tỉnh để chuyển giao công nghệ đã tiếp nhận, giúp các đơn vị sản xuất thành công giống cá đối mục, nhân rộng mô hình trong và ngoài tỉnh. Để nhân rộng mô hình này, dự án đã khuyến khích các hộ nông dân thực hiện nhân rộng mô hình với các hình thức như tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống và liên kết để giải quyết đầu ra sản phẩm, quảng bá truyền thông cho người dân biết về kỹ thuật nuôi cũng như hiệu quả của việc nuôi cá đối mục từng bước giúp bà con làm giàu kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 


(Theo truyenthongkhoahoc.vn)

More