Phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Font size : A- A A+
Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân – Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia, nguồn nhân lực là một hợp phần tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia. “Chảy máu tài năng” là một thách thức lớn đối với các nước, đặc biệt các nước đang phát triển.


Bài 1: Nhân lực KH&CN đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đội ngũ cán bộ KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản phẩm KH&CN, công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng lần lượt 11,7%, 19,1%, 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm;... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù nhân lực nghiên cứu và phát triển (NC&PT) của Việt Nam có tăng trong những năm qua, nhưng còn thấp so với các nước phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số.

Nhân lực KH&CN tăng về số lượng và chất lượng

Tại Phiên họp Hội đồng thường kỳ của Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia mới đây, GS. Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho rằng, vấn đề chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN không phải là vấn đề mới. Nhưng cần nhìn lại hệ thống văn bản liên quan, các giải pháp phát triển nhân lực KH&CN đã đi vào cuộc sống thế nào, tác động thế nào đến hoạt động KH&CN và cộng đồng khoa học của chúng ta.

TS. Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho biết, theo UNESCO và OECD, khi đánh giá năng lực KH&CN của một quốc gia, 2 chỉ số được quan tâm đó là nhân lực KH&CN quốc gia và nhân lực nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Tuy nhiên, chỉ số nhân lực NC&PT được sử dụng chủ yếu khi so sánh, phân tích trình độ, năng lực KH&CN của các quốc gia, tổ chức KH&CN quốc tế. Đó là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC&PT gồm các cán bộ nghiên cứu (CBNC), cán bộ kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ và những người tham gia trực tiếp hoạt động NC&PT khác. Trong đó, số CBNC tính theo chỉ tiêu nhân lực toàn thời gian tương đương - FTE được coi là số liệu “lõi”.

Theo thống kê, tổng số nhân lực tham gia hoạt động NC&PT tính theo đầu người năm 2011 là 134.780 người. Kết quả Tổng điều tra NC&PT năm 2014 và Điều tra doanh nghiệp năm 2014 cho thấy, tổng nhân lực NC&PT cả nước hiện có 164.744 người (chiếm 2,3% nhân lực KH&CN). Trong đó, số cán bộ nghiên cứu (CBNC) 128.997 người (chiếm 1,8% nhân lực KH&CN), đạt 14 người/1 vạn dân. Nếu quy đổi theo cách tính chỉ tiêu FTE của OECD, số CBNC (FTE) của Việt Nam chỉ đạt 6,8 người/1 vạn dân (chiếm 0,86% nhân lực KH&CN).

Trong khi đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đưa ra mục tiêu phát triển nhân lực KH&CN NC&PT đạt mức 11 người/1 vạn dân. Trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, mục tiêu phát triển nhân lực được đặt ra “Đến năm 2015, số cán bộ NC&PT đạt 9 – 10 người/1vạn dân. Đến năm 2020, số cán bộ NC&PT đạt 11 – 12 người/1 vạn dân”.

Theo ông Đỗ Việt Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, nhân lực KH&CN thời gian qua đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Nhân lực KH&CN đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện trong kết quả của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Với sự đóng góp của nhân lực KH&CN, nền KH&CN nước ta đã từng bước tiếp cận với sự phát triển của KH&CN trong khu vực và thế giới, một số lĩnh vực trong khoa học tự nhiên có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN. Khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản phẩm KH&CN, công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1%; 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm. Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt nam trong giai đoạn 2011-2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, với tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. Số lượng công bố quốc tế tăng 10-20%/năm,…

Vẫn thiếu hụt cán bộ đầu ngành

Theo các chuyên gia, mặc dù nhân lực NC&PT của Việt Nam có tăng trong những năm qua, nhưng còn rất thấp so với các nước phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số; tỷ lệ CBNC(FTE)/vạn dân và tỷ lệ CBNC(FTE)/CBNC đều thấp; cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam còn mất cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo; thiếu cán bộ đầu ngành; thiếu các tập thể khoa học mạnh, nhóm nghiên cứu xuất sắc;…

Ông Đỗ Việt Trung cho rằng, hiện đang có tình trạng hẫng hụt đội ngũ làm KH&CN mặc dù số lượng cán bộ KH&CN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khá đông. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn đang diễn ra trong nhiều năm, nền kinh tế thị trường đang phát triển đã dẫn tới nhiều cán bộ có chuyên môn sâu chuyển sang làm việc tại khu vực doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập cao hơn. Nhiều người sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài đã không trở về nước làm việc. Vì thế, đội ngũ kế cận các nhà khoa học giỏi trong các viện nghiên cứu, trường đại học ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ KH&CN quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế.

Đội ngũ kế cận các nhà khoa học giỏi trong các viện nghiên cứu, trường đại học ngày càng thiếu hụt.

Theo đại diện Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, hiện tổng số cán bộ KH&CN khoảng 5.048 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Trong đó, số cán bộ giảng dạy (CBGD) kết hợp với R&D là 2.677 người, trong đó số giáo sư, phó giáo sư 304 người, chiếm 6% trong tổng số cán bộ R&D, số tiến sĩ 837 người chiếm 17%, tổng số cán bộ R&D và CBGD là 928 người. Tỉ lệ số GS/PGS là 6% cho thấy ĐHQG TP HCM vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi có khả năng làm chủ đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành và ứng dụng vào thực tiễn.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do chưa đồng bộ về cơ chế, chính sách quốc gia và các nguồn lực dành ưu tiên cho đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực chất lượng cao và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cấp, địa phương. Thiếu chính sách, cơ chế huy động, khuyến khích nguồn nhân lực và đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp; chưa nhằm trúng đối tượng chính và trọng tâm phát triển KH&CN là nhân lực NC&PT và CBNC nên khó thu hút nhân tài, phát huy sáng tạo của lực lượng này; thiếu chế tài hữu hiệu để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; chưa có chính sách cụ thể và đồng bộ để nâng cao chất lượng nhân lực NC&PT trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp;…

Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn

More