Vật liệu mới siêu hút nước

Font size : A- A A+

Có thể hút lượng nước gấp 250 - 500 lần trọng lượng rồi nhả dần ra cung cấp cho cây trồng... Đó là đặc của loại vật liệu mới - vật liệu polyme siêu hấp thụ nước do Viện Hóa học nghiên cứu và chế tạo thành công.

“Sự ra đời của loại vật liệu mới này đã và đang góp phần mở ra một giải pháp rất hữu ích cho những vùng đất thường xuyên khô cạn, đất cát, đất đồi núi, những nơi nước dễ trôi đi của Việt Nam” TS Nguyễn Thanh Tùng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Hiệu quả cao

Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, vật liệu polyme siêu thấm nước được tổng hợp từ thành phần chính là tinh bột sắn biến tính, Na2CO3 và một số phụ gia khác. Vật liệu được bón cùng với phân vi lượng vào đất và khi gặp nước nó sẽ hút và nở ra thành khối gel trong suốt giống một miếng bọt xốp. Sau đó, nó sẽ nhả nước ra từ từ, giữ ẩm cho cây từ 10 - 15 ngày khiến cây không bị chết khát trong những ngày khô hạn, giúp tiết kiệm phân và làm tăng năng suất cây trồng.

Bà Phùng Thị Phương, cán bộ BQL rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, vì đất trồng rừng tại Bình Thuận chủ yếu là đất cát nên khả năng giữ nước rất kém. Mưa xuống, nước nhanh chóng trôi đi khiến cây chậm phát triển, tỷ lệ cây chết do khô hạn khá cao, mỗi năm phải trồng đi trồng lại nhiều lần rất mất thời gian và tốn kém.

“Từ năm 2009, được biết Viện Hóa học nghiên cứu ra sản phẩm có khả năng giữ nước nên chúng tôi đã liên hệ để áp dụng cho 300 ha rừng. Hiệu quả đạt được rất rõ rệt, sau 1 năm cây rừng sống khỏe mạnh, xanh tốt. Vì vậy, năm 2010, chúng tôi đã tiếp tục đầu tư bón vật liệu polyme siêu hấp thụ nước cho 350 ha và đầu năm 2011 là 120 ha”. Bà Phương nói.

Các kết quả thử nghiệm đã cho thấy vật liệu polyme siêu hấp thụ nước có khả năng ứng dụng rộng rãi cho rất nhiều loại cây trồng. Đối với một số loại cây rau, hoa màu và dược liệu ở Hà Nội, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đều cho năng suất cao hơn mẫu đối chứng từ 10-13%. Riêng đối với ngô, lạc, cỏ sữa, nho tăng từ 16-20%.

Đặc biệt, bón thử nghiệm vật liệu polyme siêu hấp thụ nước trên những vùng đất khô cằn khắc nghiệt như tại bãi thải khu Mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh), rừng phòng hộ Tuy Phong, rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bình Thuận) tại mọi thời điểm đều làm tăng tỷ lệ sống của tất cả các loài cây cao hơn so với đối chứng từ 4-14%.

Khả năng nhân rộng

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vật liệu polyme siêu hấp thụ nước không chỉ giúp giải quyết vấn đề giữ nước cho đất khô hạn, mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp do có thể kết hợp sử dụng lượng phân bón hợp lý tránh thất thoát ra môi trường, nhờ đó tiết kiệm được phân bón, góp phần cải tạo và tăng độ phì cho đất. Ngoài ra, vật liệu Polyme siêu hấp thụ nước còn góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế cây trồng, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết, vật liệu polyme siêu hấp thụ nước là một giải pháp hiệu quả cho việc chống hạn trong nông nghiệp cho hiện tại và tương lai, mà như nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy diện tích đất khô hạn của nước ta là rất lớn. Bên cạnh đó, vật liệu polyme siêu hấp thụ nước, ứng dụng không chỉ trong nông nghiệp mà còn trong công nghiệp như sản xuất vật liệu vệ sinh, bỉm trẻ em, đệm cho người bệnh…

“Do sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền và có sẵn trong nước nên giá thành của sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước hiện chỉ bằng 1/2 so với sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc trong khi chất lượng tương đương. Điều này giúp sản phẩm hoàn toàn có khả năng cạnh tranh và có triển vọng nhân rộng” GS. TS Nguyễn Văn Khôi, chủ nhiệm đề tài khẳng định.

Hiện Viện hóa học đã hoàn thiện dây chuyền công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất polyme siêu hấp thụ nước công suất 100 tấn/năm nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam.


(Theo Báo Đất Việt, 7/2011)

More