TCVN 5739:2023 về phòng cháy chữa cháy, phương tiện chữa cháy với thiết bị đầu nối

Font size : A- A A+

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố TCVN 5739:2023 nhằm ra các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, ghi nhãn, đóng gói và bảo quản đối với thiết bị đầu nối kiểu ngàm và kiểu cắm rút sử dụng trong công tác chữa cháy.

Thiết bị đầu nối là thiết bị sử dụng để kết nối các vòi đẩy chữa cháy với nhau, kết nối vòi đẩy chữa cháy với các thiết bị chữa cháy khác. Thiết bị đầu nối chữa cháy được chia làm 02 loại cơ bản gồm đầu nối kiểu ngàm và đầu nối kiểu cắm rút.

Đầu nối kiểu ngàm được chia thành các loại như: Đầu nối thông thường gồm thân đầu nối có lắp vòng đệm làm kín, khớp nối có ngàm dùng để liên kết với đầu nối của các thiết bị chữa cháy khác cùng cỡ, cùng kiểu. Đầu nối ren trong, đầu nối ren ngoài có lắp vòng đệm làm kín dùng để nối với các thiết bị chữa cháy có cùng cỡ, cùng kiểu. Đầu nối hỗn hợp gồm có 2 khớp nối cùng kiểu, khác cỡ lắp trên 2 đoạn ống có kích thước khác nhau được nối với nhau bằng ren, dùng để nối vòi đẩy chữa cháy có đường kính khác nhau, cùng kiểu khớp nối.

Tùy theo mục đích sử dụng, các dạng đầu nối kiểu ngàm được quy định cụ thể: Đầu nối thường dạng phun; đầu nối ren trong dạng hút, phun, hút; đầu nối lắp đậy dạng phun và hút; đầu nối hỗn hợp; đầu nối ren ngoài.

Đầu nối kiểu cắm rút cũng được chia làm 02 loại cơ bản là đầu nối kiểu cắm rút loại phun (ký hiệu ĐCR.P) và đầu nối kiểu cắm rút loại phun dạng hút (ký hiệu ĐCR.H), ngoài ra được phân loại dựa trên kích thước của đầu nối.

Thiết bị đầu nối dùng trong phòng cháy chữa cháy cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Do thiết bị đầu nối đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự liên kết giữa các vòi đẩy trong quá trình chữa cháy nên trong quá trình sản xuất, ghi nhãn, đóng gói và bảo quản, các yêu cầu kỹ thuật của đầu nối nên tuân theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5739:2023 về phòng cháy chữa cháy – phương tiện chữa cháy – thiết bị đầu nối do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. TCVN 5739:2023 này thay thế cho Tiêu chuẩn 5739:1993.

Về yêu cầu chung đối với các đầu nối có thể là dạng liền khối hoặc dạng lắp ghép nhưng phải đảm bảo chắc chắn và không rò nước tại vị trí lắp ghép. Tại các vị trí có chất lỏng chảy qua phải bảo đảm dòng chảy được trơn tru và giảm thiểu ma sát giữa chất lỏng với thân đầu nối.

Vật liệu làm đầu nối phải chịu được va đập. Đối với các đầu nối sử dụng trong môi trường nước mặn thì vật liệu chế tạo ngoài việc phải bảo đảm theo quy định thì phải có tính chống ăn mòn theo phép thử quy định. Mặt ngoài của toàn bộ đầu nối không có các góc, cạnh sắc nhọn.

Vật liệu chế tạo các chi tiết của đầu nối và lớp phủ bảo vệ bảo đảm độ bền và khả năng làm việc với nước, dung dịch chất tạo bọt và bột. Trên các bộ phận của đầu nối không có dấu vết ăn mòn, vết sứt mẻ, vết lõm, vết nứt và TCVN 5739:2023 các hư hỏng, khiếm khuyết cơ học khác.

Yêu cầu liên kết của đầu nối kiểu ngàm phải lắp được 2 khớp nối cùng kích thước với nhau bằng tay (không dùng bất cứ dụng cụ nào khác) sao cho các ngàm của chúng xoáy vào các rãnh tương ứng được một đoạn tối thiểu bằng 1 đến 1,5 lần chiều rộng của ngàm. Lắp lẫn và bảo đảm kín giữa các đầu nối với nhau có cùng cỡ, cùng đường kính danh nghĩa và không tự tháo rời được dưới tác động của áp suất làm việc bên trong vòi đẩy chữa cháy.

Về đầu nối kiểu cắm rút ắp được 2 khớp nối (khớp nối dương và khớp nối âm) với nhau bằng tay (không dùng bất cứ dụng cụ nào khác). Đầu nối bảo đảm kín và không được tự tháo rời dưới tác động của áp suất bên trong vòi đẩy chữa cháy. Cấu tạo của đầu nối phải bảo đảm độ bền và độ kín theo phép thử quy định.

Về yêu cầu kỹ thuật đầu nối kiểu ngàm bao gồm các chi tiết: Thân đầu nối, ngàm nối, vòng đệm làm kín, ren vặn với các thiết bị chữa cháy khác. Cấu tạo cơ bản của các loại đầu nối ngàm và các kích thước tương ứng phải phù hợp với thông số theo quy định. Kích thước của rãnh trước ngàm phải lớn hơn hoặc bằng 12 mm. Còn đầu kiểu cắm rút có cấu tạo gồm: khớp nối, đai siết, khóa chống trượt, lò xo, vòng đệm và vòng đai.

Cấu tạo đầu nối rút gồm 2 bộ phận là khớp nối dương và khớp nối âm. Khớp nối dương được khóa với khớp nối âm thông qua cơ cấu khóa chống trượt (dạng lẫy lò xo), và được tháo lắp bằng vành ấn mở khóa chống trượt. Vành ấn mở khoá có khoảng cách xuất nhập phải từ 3mm trở lên, và khoang vành ấn mở khoá phải bảo đảm để cát hoặc các vật khác không dễ dàng lọt vào được.

Cấu tạo cơ bản của các loại đầu nối cắm rút và các kích thước tương ứng phải phù hợp với các thông số theo quy định tại tiêu chuẩn này. Các tính chất hóa, lý của vật liệu dùng để làm vòng đệm phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Yêu cầu vòng đệm phải đảm bảo kín khi lắp ghép trong môi trường nước, dung dịch axit và kiềm yếu ở nhiệt độ làm việc từ - 5℃ đến + 50℃ với áp suất làm việc đến 2,0 MPa. Kích thước vòng đệm tạo thành do khuôn ép. Độ nhám mặt ngoài của vòng đệm có giá trị Ra = 0,2 µm. Mặt làm việc của vòng đệm phải phẳng, không có vết nứt, bóng khí và các tạp chất khác.

Về thử nghiệm, tiêu chuẩn này hướng dẫn tất cả các thử nghiệm được thực hiện trong điều kiện khí hậu bình thường: Nhiệt độ từ 10°С đến 35°С; Độ ẩm không khí tương đối từ 45% đến 80%; Áp suất khí quyển từ 84,0 KPa đến 106,7 KPa.

Khi tiến hành thử nghiệm, các dụng cụ đo lường và điều khiển được sử dụng có độ chính xác phù hợp với phép đo, đã được kiểm tra và chứng nhận theo cách thức quy định.

Dụng cụ thử nghiệm bao gồm thiết bị tạo áp suất. Bơm cao áp hoặc bình chứa nước được nén với áp suất cao và thiết bị đo áp suất đồng hồ đo áp suất lắp ở trước đầu nối giữa lăng phun và vòi đẩy chữa cháy trên giá gá lắp. Thử nghiệm trong thời gian tối thiểu là 1 min với áp suất thủy lực là 2,0 MPa. Trong suốt thời gian thử nghiệm, đầu nối không bị nứt, gãy, biến dạng các bộ phận hoặc rò
rỉ nước là bảo đảm theo yêu cầu.

Yêu cầu về ghi nhãn của đầu nối phải được trình bày sao cho dễ thấy, nội dung bao gồm các mục sau: Chủng loại; Tháng, năm sản xuất (2 số cuối); Tên nhà sản xuất và quốc gia sản xuất; Áp suất làm việc: ghi rõ áp suất làm việc tính theo đơn vị bar, KG/cm2, hoặc PSI; Kích thước chuẩn nối vòi: kích thước vòi, tên và kích thước chuẩn của đầu nối; Ký hiệu tiêu chuẩn.

Đầu nối đóng gói trong các thùng đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển. Khi vận chuyển và bảo quản, các thùng đầu nối phải được bảo quản khô ráo và cách ly với môi trường ăn mòn.

Trên mặt không làm việc của vòng đệm phải có chữ nổi gồm: Loại vòng đệm; Dấu hiệu hàng hóa hoặc tên nhà sản xuất; Tháng, năm sản xuất (2 số cuối); Ký hiệu tiêu chuẩn.

Phần ngoài của bao bì phải ghi rõ các thông số: Số lượng sản phẩm; Tháng, năm sản xuất (2 số cuối); Số hiệu của lô hàng; Dấu hiệu kiểm tra chất lượng của cơ sở; Kiểu vòng đệm; Ký hiệu tiêu chuẩn. Vòng đệm phải bảo quản ở nhiệt độ từ 0o đến 30oC, cách xa nguồn nhiệt tối thiểu là 01 m. Phải để ở nơi không có ánh nắng chiếu trực tiếp và các chất làm hỏng vòng đệm.

Link bài đăng: https://vietq.vn/tcvn-57392023-ve-yeu-cau-ky-thuat-ghi-nhan-dong-goi-va-bao-quan-cua-thiet-bi-dau-nois14-d224249.html

Nguồn: vietq.vn

More