Nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN liên kết: “Trồng thử nghiệm giống lạc đen CNC1 phù hợp với điều kiện sinh thái huyện Bố Trạch”

Font size : A- A A+

 Ngày 2/8/2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Trồng thử nghiệm giống lạc đen CNC1 phù hợp với điều kiện sinh thái huyện Bố Trạch” do Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Phong Nha chủ trì thực hiện.

 

Giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen (giống lạc thường trồng phổ biến hiện nay có vỏ hạt màu hồng). Hầu hết các chỉ tiêu chất lượng trong lạc đen đều cao hơn gấp bội so với lạc thường như: Selen 240ug/1kg (cao gấp 101,1 lần); Chất xơ 10,81% (gấp 6,75 lần); Kẽm 3.7mg/100g (gấp 1,95 lần); Arginine 3630mg/100g (gấp 1,32 lần); Kali 700mg/100g là (gấp 1,23 lần; Protein thô 36,68% (gấp 1,16 lần); Chất béo 260% (giảm 1,4 lần), chỉ tiêu này giảm có lợi cho người ăn lạc đen thường xuyên.

Nhiệm vụ được triển khai từ tháng 11 năm 2021 với đối tượng nghiên cứu là giống lạc đen CNC1, trên diện tích  5.000m2 tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kết quả đã hoàn thành các nội dung đề ra: Xây dựng mô hình trồng lạc CNC1 phù hợp với điều kiện sản xuất của Công ty TNHH Phong Nha từ đó đánh giá được hiệu quả mô hình; Sản xuất thử nghiệm dầu từ hạt lạc CNC1 được trồng từ mô hình nhằm đánh giá hiệu quả với dầu được làm từ một số loại lạc khác đang sản xuất ở địa phương. Cụ thể: Năng suất của lạc đen CNC1 cao hơn 10% so với lạc phổ biến L14; Dầu lạc CNC1 có tỷ lệ tương đương với giống lạc phổ biến, một số chỉ tiêu chất lượng thì lạc CNC1 cao hơn giống lạc L14. Hiệu quả kinh tế của 5.000m2 lạc đen CNC1 đạt hơn 30 triệu đồng.

            Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng Khoa học đánh giá cao kết quả đã đạt được của nhiệm vụ, bên cạnh đó cũng đóng góp những ý kiến nhằm hoàn thiện nhiệm vụ.

Nguồn: TT Ứng dụng và Thống kê KH&CN

More