Hội thảo về “An ninh hạt nhân và Văn hóa an ninh: Kinh nghiệm quốc tế cho các nhà khoa học và kỹ sư”

Font size : A- A A+
Từ ngày 24-25/2/2016, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) phối hợp với Trung tâm Thương mại và An ninh Quốc tế (CITS), Trường Đại học Georgia, Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “An ninh hạt nhân và Văn hóa an ninh: Kinh nghiệm quốc tế cho các nhà khoa học và kỹ sư”.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ CITS, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos – Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế của Nhật Bản (JINED) và các đại biểu trong nước đại diện cho các đơn vị trực thuộc của Viện NLNTVN, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN).
Mục tiêu của Hội thảo là giới thiệu tổng quan về an ninh hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, mối quan hệ giữa an toàn, an ninh và văn hóa; tăng cường đảm bảo an ninh hạt nhân và xây dựng văn hóa an ninh hạt nhân ở Việt Nam thông qua các bài học kinh nghiệm ứng phó với các thách thức khác nhau về an ninh ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và hướng dẫn của IAEA.



Phát biểu tại Lễ Khai mạc, đại diện Ban Tổ chức Hội thảo, ông Trần Ngọc Toàn, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN đã nhấn mạnh: Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh trong chương trình phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, điều đó được thể hiện ở Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” nhằm bảo đảm an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các chương trình hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử, an ninh đối với vật liệu hạt nhân, đối với các cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân; bảo đảm an ninh tuyệt đối quá trình triển khai thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân trong tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị xây dựng, vận hành đến kết thúc hoạt động của nhà máy. Trên thế giới, cũng từ sau sự kiện 11/9/2011 khi Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công một cách quy mô vào Tòa tháp đôi thì vấn đề an ninh hạt nhân, đặc biệt là việc bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân mới thực sự được cộng đồng quốc tế quan tâm. Một khi khủng bố hạt nhân xảy ra, an ninh của tất cả các quốc gia và sự ổn định ở tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng. Việc sử dụng vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ cho các mục đích xấu có thể gây ra hoang mang trong dân chúng, dẫn tới mất lòng tin vào các hoạt động ứng dụng năng lượng hạt nhân, trong đó có điện hạt nhân. Cần phải nâng cao vai trò của quần chúng trong các vấn đề an ninh hạt nhân và đặc biệt đối với những cơ sở làm việc liên quan đến hạt nhân, chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề an ninh hạt nhân ở phạm vi rộng hơn, lâu dài hơn chứ không nên nhìn nhận ở phạm vi hẹp. Và chúng ta phải nhận thức được rằng để phát triển bền vững thì văn hóa an ninh hạt nhân phải tích hợp được lịch sử, truyền thống và những tập quán tốt của mỗi quốc gia. Những điều này khác nhau rất lớn giữa các quốc gia. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các nước “mới tham gia hạt nhân” – các nước đang phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng hạt nhân như Việt Nam.
Tại Hội thảo, trong hai ngày làm việc, các chuyên gia đã trình bày những thông tin cơ bản, toàn diện về đảm bảo an toàn, an ninh của cơ sở: Giới thiệu về an ninh hạt nhân, Văn hoá an ninh hạt nhân, Mối quan hệ giữa văn hoá an toàn và văn hoá an ninh, Các nguyên tắc về bảo vệ thực thể, những vấn đề liên quan đến nguồn phóng xạ và nguồn di động, Mô hình mẫu về văn hoá an ninh hạt nhân của IAEA… Các chuyên gia cho rằng: an ninh hạt nhân rất quan trọng, đó không phải là điểm đến, mà đó là cả một quá trình luôn luôn tiếp diễn, đánh giá và cải thiện để vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân ngày càng tốt hơn. Trong văn hóa an ninh, sự tồn tại của luật pháp, luật lệ, quy phạm và quy trình an ninh là cần thiết nhưng điều đó chưa đủ, con người cần phải tuân thủ theo những điều đó hàng ngày.


Về phía Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cũng cung cấp những thông tin cơ bản về Chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và tầm quan trọng của an ninh hạt nhân; Những thử thách và Chiến lược trong bảo vệ nguồn phóng xạ tại Việt Nam… Ở Việt Nam, sau một vài sự cố mất nguồn phóng xạ cho thấy, việc tuân thủ pháp luật còn lỏng lẻo, văn hóa an toàn, văn hóa an ninh chưa được quan tâm đúng mức.


Do đó, Hội thảo về An ninh và Văn hóa an ninh hạt nhân này nhằm nâng cao nhận thức của những người làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh đối với nguồn phóng xạ để từ đó tăng cường công tác an ninh, xây dựng văn hóa an ninh cho cơ quan, cơ sở mình. Đây cũng là cơ hội tốt cho các cán bộ, chuyên gia Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia Hoa Kỳ, Nhật Bản về an ninh hạt nhân và văn hóa an ninh hạt nhân với những bài học thực tiễn sinh động và mô hình phát triển tiên tiến nhất./.

Nguồn: http://www.most.gov.vn

More