Tăng cường quản trị tốt trong thực hiện tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp cho các nền kinh tế APEC

Font size : A- A A+

Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia (BSN) phối hợp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức Hội thảo với chủ đề Tăng cường Quản trị tốt trong việc thực hiện tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp cho các nền kinh tế APEC tại Bali, Indonesia từ ngày 9 - 11/7/2024.

Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất thông qua việc đánh giá tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp giữa các nền kinh tế APEC, bao gồm tầm quan trọng của Đánh giá tác động pháp luật (RIA), Lợi ích chi phí của phân tích rủi ro và Thực hành quy định tốt (GRP) trong xây dựng, phát triển các chính sách hoặc quy định, nâng cao năng lực nhân sự và tổ chức trong đánh giá việc thực hiện tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp thông qua phiên mô phỏng liên quan đến Thực hành tiêu chuẩn hóa tốt (GSP) và Cơ sở hạ tầng chất lượng (QI).

Hội thảo có sự tham dự của đại diện đến từ các nền kinh tế APEC, trong đó có 02 đại diện của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Việt Nam).

Ngoài ra, trong 03 ngày diễn ra Hội thảo, các thành viên tham dự đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường xây dựng năng lực trong thực hiện quản trị tốt tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp bằng cách thiết lập bộ công cụ hướng dẫn, đánh giá để đánh giá hiệu quả hoạt động và việc thực hiện tiêu chuẩn hoá, đánh giá sự phù hợp ở cả cấp trung ương, địa phương thông qua 4 trụ cột, đó là:

- Phát triển Tiêu chuẩn (Standard Development): tiêu chí về cách áp dụng các chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển tiêu chuẩn và cách mà tổ chức tham gia vào quá trình phát triển tiêu chuẩn bắt đầu từ việc đề xuất, phát triển tiêu chuẩn, tham gia phát triển các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

​- Thực hiện Tiêu chuẩn (Standard Implementation): tiêu chí về cách thực hiện chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện tiêu chuẩn, sự hỗ trợ của tổ chức, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn một cách tự nguyện và cách các cơ quan quản lý, tổ chức đóng vai trò trong việc áp dụng tiêu chuẩn được thông qua trong quy chuẩn kỹ thuật.

- Đánh giá sự phù hợp và Liên kết chuẩn đo lường (Conformity Assessment and Measurement Traceability): tiêu chí về cách thức áp dụng các chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp và liên kết chuẩn đo lường, việc sử dụng các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận, phát triển các tổ chức đánh giá sự phù hợp, chính sách liên quan đến MRAs, đảm bảo kết quả liên kết chuẩn đo lường.

Đại diện Việt Nam làm Trưởng nhóm thảo luận về Đánh giá sự phù hợp và Liên kết chuẩn đo lường.

- Học tập và Phát triển (Learning and Growth): tiêu chí của tất cả hình thức hỗ trợ tổ chức để thực hiện ba yếu tố trên như là lời cam kết của tổ chức trong thực hiện quản trị tốt về tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp, bao gồm nguồn lực sẵn có (nhân lực, ngân sách, cơ sở hạ tầng, v.v.) và tối ưu hóa việc sử dụng hệ thống thông tin.

Trong khuôn khổ Hội thảo, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế (ISO, OECD, UNIDO, ASTM) đã đưa ra khuyến nghị cho các tổ chức để có thể xem xét cải tiến liên tục chính sách và quy định, nhằm tăng cường tuân thủ quy định quốc tế, cũng như tăng cường cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện cho đầu tư thương mại tự do và cởi mở.

Link bài đăng: https://vietq.vn/tang-cuong-quan-tri-tot-trong-viec-thuc-hien-tieu-chuan-hoa-va-danh-gia-su-phu-hop-cho-cac-nen-kinh-te-apec-d223423.html

Nguồn: vietq.vn

More