Dự thảo Thông tư ban hành Sửa đổi 1:2024 QCVN 02-35:2021 về phân cấp và đóng tàu cá

Font size : A- A A+

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư ban hành Sửa đổi 1:2024 QCVN 02-35:2021/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 24 mét.

Quy chuẩn này quy định về hoạt động giám sát kỹ thuật/ kiểm tra phân cấp tàu cá và các hoạt động liên quan đến thiết kế, đóng mới, cải hoán, phục hồi, sửa chữa, sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 24m.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến tàu cá thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại quy chuẩn này, gồm cơ sở đăng kiểm tàu cá, chủ tàu cá, cơ sở thiết kế, đóng mới, cải hoán, phục hồi, sửa chữa tàu cá; cơ sở thiết kế, chế tạo vật liệu và trang thiết bị, máy móc lắp đặt lên tàu.

Quy định về hoạt động giám sát kỹ thuật, quy chuẩn quy định các cơ sở tiến hành hoạt động giám sát của Đăng kiểm dựa trên cơ sở các quy định của quy chuẩn này và các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan để xác định trạng thái kỹ thuật của tàu, vật liệu, sản phẩm (máy móc, trang thiết bị, …) dùng trong đóng mới, cải hoán, phục hồi, sửa chữa tàu cá phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn này.

Vật liệu, máy móc, trang thiết bị đã được Đăng kiểm kiểm tra và thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn này và các quy chuẩn khác có liên quan mới được lắp đặt xuống tàu. Hoạt động giám sát của Đăng kiểm không làm thay công việc của tổ chức kiểm tra chất lượng của cơ sở sản xuất.

Nếu không có quy định khác, những tàu có chiều dài dưới 12 mét nhưng có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên áp dụng các quy định của quy chuẩn này. Đối với những tàu đang đóng, những sản phẩm đang chế tạo theo hồ sơ kỹ thuật của chúng được Đăng kiểm thẩm định trước khi quy chuẩn này có hiệu lực, vẫn được phép áp dụng những quy định của các quy phạm còn hiệu lực lúc thẩm định các hồ sơ kỹ thuật đó.

Nếu không có những chỉ dẫn gì khác trong quy chuẩn này và những quy định bổ sung được công bố thì những tàu đang khai thác vẫn được áp dụng những quy phạm trước đây đã dùng để thiết kế và đóng chúng. Việc phục hồi và hoán cải các tàu đang khai thác phải được tiến hành trên cơ sở những quy định của quy chuẩn này và những bổ sung, sửa đổi (nếu có) nếu như điều đó là hợp lý và có thể thực hiện được về kỹ thuật.

Để được phân cấp và cấp giấy chứng nhận phân cấp, các tàu cá quy định tại quy chuẩn này phải được Đăng kiểm kiểm tra. Ảnh minh họa

Trường hợp đặc biệt cho phép sử dụng vật liệu, kết cấu hoặc những thiết bị và sản phẩm lắp đặt trên tàu khác với các quy định của quy chuẩn này với điều kiện chúng phải có đặc tính tương đương so với yêu cầu của quy chuẩn. Trong trường hợp kể trên, phải trình cho Đăng kiểm những số liệu chứng minh được rằng những vật liệu, kết cấu hoặc những thiết bị và sản phẩm đó thỏa mãn các điều kiện bảo đảm an toàn của tàu, an toàn cho môi trường và bảo đảm an toàn tính mạng con người, hàng hóa khi hoạt động trên biển.

Nếu kết cấu tàu, máy móc, trang thiết bị hoặc vật liệu đã được sử dụng nhưng chưa được công nhận là đã được kiểm nghiệm đầy đủ trong khai thác thì Đăng kiểm có thể yêu cầu tiến hành thí nghiệm đặc biệt trong thời gian đóng tàu, còn trong sử dụng thì có thể rút ngắn thời hạn của kiểm tra định kỳ hoăc tăng khối lượng kiểm tra chúng. Khi cần thiết Đăng kiểm có thể ghi các hạn chế vào các chứng chỉ cấp cho tàu và hồ sơ lưu của tàu. Các hạn chế trên sẽ hết hiệu lực khi có xác nhận của Đăng kiểm rằng các trường hợp ngoại lệ trên thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn trong quá trình khai thác.

Về nguyên tắc chung các tàu cá sẽ được Đăng kiểm trao cấp với các ký hiệu cấp tàu như quy định nếu được Đăng kiểm tiến hành kiểm tra phân cấp thân tàu và trang thiết bị; hệ thống máy tàu; trang bị điện; phương tiện phòng, phát hiện và chữa cháy; phương tiện thoát nạn; ổn định; chống chìm; mạn khô; trang bị an toàn, trang thiết bị khai thác và xác nhận tất cả đều thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn này.

Mọi tàu cá đã được Đăng kiểm trao cấp phải duy trì cấp tàu theo các quy định của quy chuẩn này. Tàu cá, trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá đã được Đăng kiểm trao cấp phải được Đăng kiểm kiểm tra chu kì hoặc kiểm tra bất thường nhằm duy trì cấp của chúng phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn này.

Trường hợp tàu hoặc thiết bị đã được phân cấp mà có những thay đổi hoặc sửa chữa có ảnh hưởng đến nội dung kiểm tra trước đó được quy định ở quy chuẩn này thì tàu hoặc trang thiết bị đó phải được kiểm tra theo nội dung và khối lượng do Đăng kiểm quy định phù hợp với quy chuẩn này.

Để được phân cấp và cấp giấy chứng nhận phân cấp, các tàu cá quy định tại quy chuẩn này phải được Đăng kiểm kiểm tra với các hình
thức kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ, kiểm tra bất thường.

Nguyên tắc giám sát kỹ thuật, cơ sở sản xuất khi yêu cầu Đăng kiểm kiểm tra đóng mới, cải hoán, phục hồi, sửa chữa tàu cá và chế tạo trang thiết bị dùng trong đóng tàu phải đảm bảo điều kiện để Đăng kiểm thực hiện việc kiểm tra theo các quy định của quy chuẩn này và
các tiêu chuẩn có liên quan. Đăng kiểm chỉ kiểm tra, giám sát những cơ sở sản xuất đã được công nhận đủ điều kiện thực hiện.

Phương pháp giám sát của Đăng kiểm đối với các trang thiết bị, vật liệu sản xuất hàng loạt, Đăng kiểm kiểm tra theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, trừ trường hợp giám sát theo quy trình được quy định riêng.

Chủ tàu, cơ sở sản xuất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Đăng kiểm viên tiến hành kiểm tra, thử nghiệm vật liệu và các sản phẩm theo quy định của Quy chuẩn này. Chủ tàu, thuyền trưởng khi yêu cầu Đăng kiểm kiểm tra chu kỳ với những tàu đang khai thác phải đảm bảo đủ các điều kiện để Đăng kiểm thực hiện việc kiểm tra theo quy định của Quy chuẩn này, đồng thời phải báo cáo cho Đăng kiểm biết tất cả sự cố, vị trí hư hỏng, việc sửa chữa tàu cá giữa hai lần kiểm tra.

Đăng kiểm có thể từ chối không giám sát kỹ thuật nếu điều kiện thực hiện giám sát không đảm bảo hoặc chủ tàu, cơ sở sản xuất vi phạm có hệ thống các quy định của quy chuẩn này, vi phạm hợp đồng giám sát hoặc không có mặt các đại diện kể trên.

Trường hợp có tranh chấp về kỹ thuật giữa Đăng kiểm và chủ tàu, cơ sở sản xuất, thì chủ tàu, cơ sở sản xuất có quyền kiến nghị lên Đăng kiểm cấp trên. Ý kiến kết luận của người đứng đầu cơ quan Đăng kiểm trung ương là quyết định cuối cùng. Trường hợp phát hiện các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nhưng có khuyết tật, Đăng kiểm có quyền yêu cầu khắc phục các khuyết tật đó. Trường hợp các khuyết tật không thể khắc phục thì Đăng kiểm thu hồi, hủy bỏ các giấy chứng nhận đã cấp.

Ngoài ra việc giám sát chế tạo vật liệu và sản phẩm thì danh mục sản phẩm chịu sự giám sát của Đăng kiểm được quy định trong quy chuẩn này. Trường hợp cần thiết, Đăng kiểm yêu cầu giám sát việc chế tạo các vật liệu và sản phẩm chưa được quy định trong quy chuẩn này. Việc sử dụng vật liệu, kết cấu, quy trình công nghệ mới trong đóng mới tàu cá, trong chế tạo vật liệu và sản phẩm mới phải chịu sự giám sát của Đăng kiểm trước khi áp dụng vào sản xuất phải được Đăng kiểm chấp thuận.

Tất cả sản phẩm đầu tiên được chế tạo theo hồ sơ kỹ thuật đã được Đăng kiểm thẩm định thì phải tiến hành thử nghiệm dưới sự giám sát của Đăng kiểm tại những trạm thử hoặc phòng thí nghiệm được công nhận. Trường hợp cần thiết Đăng kiểm yêu cầu thử trong thực tế.

Tàu đã được phân cấp phải được kiểm tra chu kỳ và kiểm tra bất thường để xác nhận lại cấp tàu đã trao. Hình thức kiểm tra chu kỳ được quy định trong các phần cụ thể của quy chuẩn này. Chủ tàu có trách nhiệm đưa tàu vào kiểm tra chu kỳ theo đúng thời hạn quy định.

Trường hợp xin hoãn kiểm tra, chủ tàu phải thực hiện theo các quy định có liên quan trong các phần tương ứng của Quy chuẩn này. Trường hợp lắp đặt lên tàu cá đang khai thác các trang thiết bị mới thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn này, phải tuân thủ đầy đủ các quy định.

Link bài đăng: https://vietq.vn/du-thao-thong-tu-ban-hanh-sua-doi-12024-qcvn-02-352021-ve-phan-cap-va-dong-tau-ca-d223974.html

Nguồn: vietq.vn

More