10 thông tin cơ bản khi áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa

Font size : A- A A+

Từ ngày 1 tháng 6 năm 2024, người tiêu dùng tại Việt Nam có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hàng hóa một cách chi tiết và minh bạch. Do đó người tiêu dùng cần nắm những thông tin cơ bản về truy xuất để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thông tin sản phẩm khi sử dụng truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa

Quy định này được nêu rõ tại Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28 tháng 3 năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Dưới đây là 10 thông tin cơ bản khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định mới:

Thứ nhất tên sản phẩm, hàng hóa: Thông tin cơ bản về tên gọi của sản phẩm hoặc hàng hóa, giúp người tiêu dùng nhận diện rõ ràng.

Thứ hai, hình ảnh sản phẩm, hàng hóa: Cung cấp hình ảnh thực tế của sản phẩm, hàng hóa để người tiêu dùng có thể nhận diện dễ dàng.

Thế ba, tên đơn vị sản xuất, kinh doanh: Thông tin về tên của đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm, hàng hóa.

Thứ tư, địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh: Địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất hoặc đơn vị kinh doanh, giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc địa lý của sản phẩm.

Thứ năm, các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh: Mô tả các bước cụ thể trong quá trình sản xuất và kinh doanh, bao gồm mã truy vết sản phẩm; Mã truy vết địa điểm; Thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn.

Thứ sau, thời gian sản xuất, kinh doanh: Thông tin về thời gian cụ thể mà các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra, từ sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Thứ bảy, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa: Mã duy nhất dùng để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hoặc hàng hóa, giúp dễ dàng tra cứu thông tin liên quan.

Thứ tám, thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có): Các thông tin nhận diện đặc biệt như thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu và số sê-ri của sản phẩm (nếu có), tăng cường độ tin cậy và khả năng phân biệt sản phẩm.

Thứ chín, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có): Thông tin về hạn sử dụng của sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết được thời gian an toàn để sử dụng.

Thứ mười, các tiêu chuẩn áp dụng: Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo sản phẩm tuân thủ các quy định về chất lượng và an toàn.

Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN cũng quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Điều này bao gồm việc quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc.

Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc triển khai hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, minh bạch và sự tin cậy của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.

Link bài đăng: https://vietq.vn/10-thong-tin-co-ban-khi-ap-dung-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-d222051.html

Nguồn: vietq.vn

More