Ứng dụng đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu và phát triển bền vững môi trường
Sáng 13/6, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu và phát triển bền vững môi trường”. Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ một số viện, trường.
Hội thảo được tổ chức nhằm giao lưu, trao đổi giữa các đơn vị, các chuyên gia về khả năng sử dụng kỹ thuật đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững môi trường, thúc đẩy việc hợp tác nghiên cứu và đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ vào thực tế.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận về: năng lực và những thành tựu chính về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu và phát triển bền vững môi trường của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu tài nguyên khu vực Đông Nam Á; ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu sự hình thành tài nguyên nước dưới đất ở Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong nghiên cứu ô nhiễm môi trường biển; nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ tại Trung tâm hạt nhân TPHCM...
TS. Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã chia sẻ một số thành tựu chính trong thời gianqua về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu môi trường.
Theo đó, về quan trắc thành phần đồng vị bền O-18, H-2 và đồng vị phóng xạ H-3 trong nước mưa và nước sông Hồng, các mẫu nước mưa và nước sông Hồng khu vực Hà Nội được thu thập liên tục hàng tháng và được phân tích các thành phần đồng vị bền O-18, H-2 và đồng vị phóng xạ H-3. Đây là cơ sở dữ liệu quan trong nghiên cứu nguồn gốc nước ngầm, nước bề mặt và để nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu mối quan hệ giữa nước ngầm và nước mặt khu vực Hà Nội. Sông Hồng chảy qua khu vực Hà Nội đang là nguồn cung cấp chính nước sinh hoạt cho khu vực Hà Nội thông qua các tầng chứa nước ngầm. Vì vậy hầu hết các nhà máy nước khu vực Hà Nội đều có xu hướng chuyển các lỗ khoan khai thác nước ngầm ra sát sông Hồng. Ngoài ra, khu vực Hà Nội còn có nhiều các hồ chứa nước khá lớn có khả năng có mối liên hệ với nước ngầm gây ra ô nhiễm cho nguồn nước ngầm. Kỹ thuật đồng vị có khả năng đánh giá được mối liên hệ giữa nước ngầm và nước bề mặt.
Nước ngầm khu vực Hà Nội, đặc biệt là khu vực phía nam bị ô nhiễm bởi các hợp chất nitơ (NH4- ) và asenic, sử dụng đồng vị N-15 có thể chỉ ra nguồn gốc NH4- trong nước ngầm.
TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nêu vai trò chỉ thị của các đồng vị radi. Đây là nguyên tố có tính tan tốt trong nước biển.Các nguồn radi chủ yếu trong vùng gần bờ, lượng radi trong nước ngầm khá cao. Trong nước sông radi hấp phụ mạnh trên mặt các hạt, ra đến biển radi tan trở lại... Radi cung cấp các thông tin quan trọng về: hệ số khuếch tán của vật chất theo pha nước; vị trí, thông lượng xả của các mạch nước ngầm; quá trình pha trộn nước ngầm với nước biển và quá trình pha trộn nước sông với nước biển...
Nói về hướng nghiên cứu trong thời gian tới, TS. Trịnh Văn Giáp cho biết, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước ngầm, đặc biệt là quá trình xâm lấn mặn ở các khu vực ven biển. Đồng thời là việc sử dụng kỹ thuật đồng vị nghiên cứu tối ưu quá trình tưới nước trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu tối ưu hóa quá trình sử dụng phân bón trong nông nghiệp và đánh giá nguồn gốc các nông sản nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn
- Ngày hội hạt nhân và khoa học 2017 (24/05/2017)
- Cục Năng lượng nguyên tử làm việc với chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về các dự án hợp tác kỹ thuật về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia (19/04/2017)
- Khóa huấn luyện về vật lý hạt nhân và ứng dụng nơtron khu vực châu Á – Thái Bình Dương (18/04/2017)
- 26-27/4 tại Đà Lạt sẽ diễn ra Hội thảo “Truyền thông điện hạt nhân và ứng dụng năng lương nguyên tử” (25/04/2016)
- Hội thảo về “An ninh hạt nhân và Văn hóa an ninh: Kinh nghiệm quốc tế cho các nhà khoa học và kỹ sư” (01/03/2016)
- Lễ trao Huân chương Lao động hạng Ba cho nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Đặng Thanh Lương (06/01/2016)
- Đào tạo nghiệp vụ về an toàn bức xạ trong công nghiệp và y tế (09/12/2015)
- Nâng cao năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam (20/04/2015)
- Đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ tại Việt Nam (20/04/2015)