Hội thảo khoa học nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, đánh giá những giá trị địa di sản (Geoheritages) nổi bật, ngoại hạng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch”.

Font size : A- A A+

     Ngày 10/1/2019, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội thảo khoa học nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu, đánh giá những giá trị địa di sản (Geoheritages) nổi bật, ngoại hạng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), Hội Địa chất Quảng Bình, Trường Đại học Quảng Bình, Sở Du lịch và các nhà khoa học.

      Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQGPNKB) đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG) theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, được công nhận lần 2 là DSTNTG với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái năm 2005. Trong hàng chục năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư khai thác du lịch trên phạm vi VQGPNKB và các vùng lân cận, dựa trên thế mạnh nguồn tài nguyên du lịch của khối núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, mà trước hết là các hệ thống hang động Karst phong phú được phát hiện ngày càng nhiều trong đó.  Nhưng trên thực tế, hoạt động du lịch của tỉnh mới chủ yếu khai thác thế mạnh vẻ đẹp thiên nhiên và hang động, có chú ý đến tính đa dạng của cảnh quan mà chưa đi sâu vào khai thác khía cạnh độc đáo của các thành tạo địa chất – địa mạo vốn là cơ sở để DSTNTG này được công nhận.

     Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu các đặc điểm địa chất, địa mạo VQGPNKB và các vùng lân cận nhằm tìm ra những giá trị địa di sản (di sản địa chất) nổi bật, ngoại hạng phục vụ phát triển du lịch bền vững; Chuẩn bị bộ tư liệu để viết cuốn sách giới thiệu du lịch về Phong Nha – Kẻ Bàng cô đọng, đầy đủ, khao học và hiện đại.

     Kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề về địa chất di sản trong khu vực, từ phân loại di sản theo nguồn gốc dựa trên phân tích hình thái và thành phần vật chất, đến đánh giá các di sản nhằm phát hiện những giá trị nổi bật, ngoại hạng so với khu vực và thế giới. Nhiệm vụ cũng góp phần định hướng phát triển du lịch cho Quảng Bình, hướng tới phát triển du lịch địa chất hoặc du lịch khám phá, cung cấp cho du khách mảng kiến thức địa chất – địa mạo lý thú của khu vực vốn được mệnh danh là Vương quốc hang động của thế giới.

More