Công nghệ "hãm" quả chín cả tháng

Font size : A- A A+
Chế phẩm làm chậm quả chín giúp kéo dài thời gian của vụ quả, đồng thời cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập từ việc kéo dài đợt chín. 

Ngày 7/7, trong cái nắng đổ lửa, phóng viên KH&ĐS đã mời ThS Nguyễn Mạnh Khải, trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Nông nghiệp Hà Nội cùng tham gia chuyến thực địa đến vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) để tận mắt chứng kiến quy trình làm chậm chín quả, đồng thời đi tìm câu hỏi bảo tồn gen của loài vải nổi tiếng này.

Làm chậm chín đến 20 ngày

Đường vào Thanh Hà rầm rập xe cộ. Dọc đường, các thùng xốp lạnh đựng vải xếp la liệt. Nhưng trái ngược với không khí nhộn nhịp này, vườn vải rộng mênh mông nhà ông Phạm Văn Ước (Thanh Bính, Thanh Hà, Hải Dương) như mới vào đầu vụ. Cây nào cũng trĩu quả nhưng vỏ vẫn xanh dù chính vụ vải đã được khoảng 10 ngày. Ông Ước bật mí, vải nhà ông chín chậm như vậy là sử dụng công nghệ làm chậm chín quả.

Không ít người dân cho rằng, phun một lần thì hãm được 10 ngày, vậy phun 2 lần có khi hãm được 20 ngày, vì vậy có tình phun thật nhiều vượt quá mức cho phép

Công nghệ này sẽ giúp vải, nhãn kéo dài thời gian chín đến 15 - 20 ngày, đối với cam, quýt có thể kéo dài đến 60 ngày. "Trước khi sử dụng công nghệ làm chậm chín tôi đã từng thử nghiệm nhiều loại thuốc để hãm hoặc thúc đẩy quá trình chín quả song đều không thành công. Có năm bị mất mùa do thuốc làm gai quả, không lớn được mà mẫu mã quả lại rất xấu. Thậm chí nhiều loại thuốc làm quả vải to nhưng màu vải rất tái, ăn vào nhạt. Sử dụng công nghệ chậm chín, hiệu quả thấy rõ", ông Ước hớn hở khoe.

ThS Nguyễn Mạnh Khải giải thích chế phẩm này không thay thế được các quy trình chăm sóc cây thông thường mà chỉ kéo dài thời gian chín của quả lâu hơn so với chín tự nhiên. Công nghệ này hoạt động theo cơ chế đối kháng của 2 nhóm chất kích thích sinh trưởng và ức chế sinh trưởng của cây trồng. Chất kích thích đẩy nhanh quá trình chín, chất ức chế có trong các chế phẩm lại làm chậm chín.

Ngoài ra, chế phẩm còn giúp quả đẹp hơn, ít rụng, hạn chế nứt vỏ... là do các khoáng chất vi lượng có trong chế phẩm, được điều chế thích hợp cho từng loại quả và chất kích thích cho vỏ dày lên. Hiện các địa phương áp dụng chế phẩm này khá nhiều như vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương), nhãn lồng Hồng Nam (Hưng Yên), dứa (Nghệ An), mận tam hoa tại Bắc Hà (Lào Cai)...

Độc nếu lạm dụng

TS Ngô Vĩnh Viễn, viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật cho biết, hiện ở Việt Nam, các sản phẩm giúp chậm chín quả chủ yếu được nhập từ nước ngoài về. Thực tế, các sản phẩm này khi sản xuất, người ta đã tính toán sao cho đảm bảo trong quá trình sử dụng không gây ra những tác hại xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là người nông dân sử dụng sản phẩm đó như thế nào: Có đảm bảo đúng liều lượng phun không, có đảm bảo thời gian cách ly đúng như quy định không. Không ít trường hợp, người nông dân đã sử dụng quá nồng độ cho phép. Khi đó đương nhiên chất lượng có thể sẽ bị ảnh hưởng.

ThS Nguyễn Mạnh Khải cũng cho rằng, nếu dùng không đúng nồng độ, đúng quy định thì sẽ ít nhiều gây ra những tác động tiêu cực. Không ít người dân cho rằng, phun một lần thì hãm được 10 ngày, vậy phun 2 lần có khi hãm được 20 ngày, vì vậy có tình phun thật nhiều vượt quá mức cho phép.

Ví dụ, hiện không chỉ có các sản phẩm chậm chín nhập ngoại, hiện các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp cũng đã nghiên cứu thành công chế phẩm chậm chín cho vải, cam, nhãn, quýt, dứa, chanh, bưởi... Việc làm chậm chín cho quả vài một cách bền vững phải được tiến hành từ lúc vừa đậu quả. Quá trình phun bao gồm 4 giai đoạn, mỗi gói chế phẩm được pha với 40 lít nước, đợt cuối phun là khi quả đã chuẩn bị chín. Nếu phun đủ 4 lần đúng liều lượng và quy trình thì cây sẽ cho năng suất cao, chống nứt vỏ, chống rụng... Trường hợp chỉ cần làm chậm chín quả, chống rụng thì có thể phun 2 đợt vào lúc quả đã lớn cũng có thể làm chậm chín đến 10 ngày. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo chỉ nên sử dụng công nghệ chậm chín quả có 1/10 diện tích, chứ không nên phun toàn bộ cả diện tích vườn.

Nhiều quả đặc sản dần biến chất

Gia đình ông Phạm Văn Ước có nghề trồng vải từ nhiều đời. Trước đây có những gốc vải già mà không ai nhớ được tuổi của chúng. Gốc vải đó có từ đời ông, đời cụ kỵ. Tuy nhiên, hiện cả nhà ông Ước và nhiều nhà trồng vải khác đã chặt bỏ những cây già đi bởi cây già cao khó hái quả, phun thuốc, chất lượng quả ngon nhưng mẫu mã không đẹp, quả nhỏ... Điều này dẫn đến việc, nhiều gốc vải ở đây đều là cây trẻ, hoặc cây già đã chặt bớt cành. Với những loại cây này, năng suất cao, mẫu mã đẹp, song chất lượng quả không tốt như các cây già.

Thực tế này là tình trạng chung của nhiều loại cây đặc sản của Việt Nam qua thời gian đã không còn giữ nguyên chất lượng ban đầu nữa.

Lý giải điều này, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho rằng, vấn đề bảo tồn gen chưa được quan tâm đúng mức, hơn nữa sự thay đổi của các thành phần trong đất, ô nhiễm môi trường tăng lên... làm cho chất lượng quả không còn tốt như trước đây. Hơn nữa, một phần cũng là cảm quan của người dùng. Trước đây, người ta không có nhiều lựa chọn, giờ các loại quả khác, với nhiều giống mới được tạo ra khiến cho những loại quả "đặc sản" này bị lép vế cũng là điều dễ hiểu.

TS Ngô Vĩnh Viễn, viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật cho biết, về bản chất di truyền thì không có sự thay đổi. Tuy nhiên, thực tế qua thời gian, nhiều giống cây đặc sản giống đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm. Có nhiều lý do dẫn đến sự suy giảm này như thay đổi vùng địa lý. Có những loại quả chỉ ngon, đẹp khi trồng ở khu vực này nhưng khi chuyển sang vùng khác thì chất lượng lại không đảm bảo. Ví dụ, quýt Bắc Sơn thì chỉ ngon khi được trồng ở Bắc Sơn, bưởi Đoan Hùng chỉ ngon khi trồng ở Đoan Hùng, khi mang ra trồng ở nơi khác thì chất lượng bị suy giảm do không hợp với khí hậu, đất, nước ở môi trường mới. Sự thay đổi về chất lượng đất, nước do việc sử dụng phân bón cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của quả...

GS.VS Trần Đình Long, chủ tịch Hội Giống cây trồng cho biết, sau thời gian dài, giống cây bị thoái hóa đi khiến cho chất lượng bị suy giảm. Vì thế, cách tốt nhất là theo định kỳ (5 - 10 năm) phải tiến hành phục tráng lại giống cây để đảm bảo chất lượng cây trồng.


 

More