Kết quả 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020

Font size : A- A A+

Xác định việc phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm, trở thành nội dung lãnh đạo quan trọng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh.


Bộ sản phẩm mây tre đan - một trong số sản phẩm được lựa chọn tham gia bình chọn
sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Miền Trung và Tây Nguyên vào tháng 8/2014

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã triển khai mới 58 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào lĩnh vực điều tra cơ bản; nông - lâm - ngư nghiệp; thủy sản; khoa học xã hội và nhân văn; dịch vụ - du lịch; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện, trên địa bàn có 46 mô hình, nhiệm vụ KH&CN cấp huyện tập trung ứng dụng, thử nghiệm các giống cây trồng và vật nuôi mới, những biện pháp kỹ thuật tiên tiến về nuôi trồng, chăm sóc; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng trang trại, liên kết, kết hợp... nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

05 năm qua, nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao có khả năng phát triển và nhân rộng như: Phát triển nghề sản xuất mây xiên mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn huyện Quảng Trạch; trồng dưa hấu vụ Đông Xuân tại huyện Quảng Ninh; thâm canh lúa chất lượng cao QR1, TBR45, QX3, QX8, QX4, QX5, QXP1, QXP30; xây dựng mô hình phát triển vườn ươm giống cây cao su RRIM712, RRIM600, RRIC100; nuôi dúi sinh sản, trồng cây phật thủ tại Làng Thanh niên lập nghiệp xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); chăn nuôi gà thịt và sinh sản với giống gà địa phương bằng phương pháp bán chăn thả; nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học; nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Bên cạnh đó, các dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” đã đạt được một số kết quả đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhiều mô hình đã được duy trì và phát triển rộng rãi trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành tập quán sản xuất của nhân dân ở địa bàn thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Chiến lược KH&CN tỉnh trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội do đội ngũ cán bộ KH&CN còn ít và thiếu, đặc biệt là cán bộ KH&CN trẻ kế cận có trình độ cao; cơ cấu nhân lực KH&CN theo ngành nghề và lãnh thổ còn nhiều bất hợp lý, chưa cân đối; đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp, nhất là từ khu vực doanh nghiệp; trang thiết bị của các phòng thí nghiệm còn thiếu, không đồng bộ, một số lạc hậu không còn phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành để thực hiện các phép đo có độ chính xác cao. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn nhiều hạn chế như số lượng đề tài nghiên cứu tuy nhiều nhưng quy mô nhỏ, một số đề tài thực hiện trong thời gian qua có chất lượng thấp, tính khả thi, ứng dụng chưa thực sự cao, cơ chế quản lý KH&CN chậm được đổi mới và mang nặng tính hành chính, thị trường KH&CN đang ở mức sơ khai...

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả Chiến lược KH&CN trong giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung đầu tư vào các đề tài có hàm lượng KH&CN cao, có quy mô lớn phục vụ trực tiếp những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội; xác định chiến lược, chiến thuật và lựa chọn được hướng đi đúng đắn phù hợp với từng thời kỳ; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - xã hội và nhân văn nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình đổi mới, hội nhập, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng nghiên cứu phục vụ công ích, điều tra cơ bản các tiềm năng thế mạnh trên địa bàn. Mặt khác, các đơn vị cần ứng dụng rộng rãi những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thích hợp cho khu vực nông thôn và miền núi, nhất là chú trọng một số vùng đặc biệt khó khăn để phát huy thế mạnh vùng miền, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân; tập trung đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN đủ về số lượng, có chất lượng cao, đạt tương đương trình độ các nước trong khu vực bằng cách thu hút, kêu gọi các chuyên gia đầu ngành, các “tổng công trình sư” trong nước cũng như nước ngoài về làm việc trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN...

Nguồn: https://www.quangbinh.gov.vn

More