Khoa học công nghệ - Giải pháp trọng yếu tái cơ cấu nông nghiệp

Font size : A- A A+

Trong tiến trình đổi mới và phát triển kinh tế, với một nước vốn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, những thành tựu trong lĩnh vực này đã không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn góp phần tạo dựng sự ổn định cho chính trị và xã hội.

Với diện tích đất sản xuất của mỗi nông hộ khá hạn chế, để nâng cao thu nhập cho nông dân cần phải tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn trong khuyến khích việc liên kết và đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, nhất là đối với khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch…

- Nhiều ý kiến cho rằng dù đã có nhiều, song những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa đủ mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Theo ông, giải pháp nào để Việt Nam có thể phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới?
Ông Vương Đình Huệ: Đổi mới hoạt động khoa học công nghệ được kỳ vọng như là giải pháp trọng yếu để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.Triển khai chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia về công nghệ cao đến năm 2020.

Nhiều chính sách đã được ban hành bước đầu tạo được sự chuyển biến, một số dự án đã được triển khai; hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có mặt ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế, công tác xây dựng cơ chế chính sách cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều trở ngại và chậm; nguồn nhân lực chất lượng cao suy giảm do thiếu chính sách ưu đãi; các nghiên cứu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được phát triển đúng mức; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn thấp lại dàn trải.

Kinh tế hộ với ruộng đất manh mún trong nông nghiệp đang là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng phát triển; sự hỗ trợ chưa đồng bộ và đủ mạnh…

Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo chúng tôi rất cần có những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Cụ thể đối với các Bộ, ngành Trung ương cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó có chính sách đặc thù cho nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn cần được tăng cường. Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với các địa phương cần quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập của địa phương theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp vào việc ứng dụng kết quả khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ. Có cơ chế khuyến khích hình thành mối liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao, tiếp nhận các sản phẩm khoa học công nghệ giữa các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh....

Đối với doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chủ động đổi mới công nghệ. Chủ động phối hợp, liên kết ứng dụng khoa học công nghệ. Tham gia xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

- Trong thời gian qua, vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo. Vai trò của nhà nước trong vấn đề này cần đặt ra như thế nào thưa ông?
Ông Vương Đình Huệ: Về vấn đề này, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đã thể chế thành cơ chế chính sách đem lại nhiều kết quả trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn như nhận thức về liên kết chưa đầy đủ, trong tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, hiệu quả còn thấp.

Nhà nước cần tạo lập môi trường thuận lợi, khuyến khích hình thành các liên kết và liên kết phát triển cả về lượng và chất. Cụ thể nâng cao nhận thức về liên kết trong sản xuất cho xã hội, đặc biệt là đối với cán bộ công chức và các chủ thể kinh tế; ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ và toàn diện để liên kết trong nông nghiệp hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành hàng, cụm sản xuất công nông nghiệp; tổ chức, thành lập và trợ giúp có hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác, nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

More