Hội thảo khoa học mô hình sản xuất thử nghiệm nấm rơm trên cơ chất bông phế liệu

Font size : A- A A+

         Ngày 13/11/2016, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học mô hình sản xuất thử nghiệm nấm rơm trên cơ chất bông phế liệu tại Trạm Thực nghiệm xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, các hộ trồng nấm trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Báo cáo kết quả xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm trên bông phế liệu tại hội thảo cho thấy: Được triển khai từ tháng 6/2016 cho đến nay, mô hình đã đạt được những kết quả khả quan. Mô hình đã triển khai sản xuất thử nghiệm 12 đợt với tổng lượng nguyên liệu đã sử dụng: 4,9 tấn bông và 1,3 tấn rơm. Mặc dù do tình hình thời tiết không thuận lợi, thời điểm tháng 6-8 trời nắng, nhiệt độ cao nhất trong nhà trồng nấm đo được là trên 390C, khoảng nhiệt độ trong ngày biến động lớn, thấp nhất 320C khiến nấm khó phát triển. Thời điểm tháng 9-10 mưa nhiều đặc biệt là đợt lũ lịch vào ngày ngày 13 đến 15 tháng 10 vừa qua, nước đã vào nhà nuôi trồng nấm gây ẩm mốc đến 1,5 tấn bông và 1 tấn rơm đã cấy giống và 1,1 tấn nguyên liệu bông chưa xử lý, đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nấm rơm, nhưng năng suất sản xuất nấm vẫn đạt từ 15%, đảm bảo năng suất lý thuyết đề ra.

Với năng suất đạt 15% so với nguyên liệu đầu vào, giá bán buôn 100.000 đồng/kg nấm thành phẩm, người trồng nấm có thể thu được 15 triệu đồng trên 1 tấn nguyên liệu bông. Cũng trong thời gian triển khai mô hình, các cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Quảng Bình đã triển khai xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng nấm rơm trên cơ chất bông phế liệu.

Sự thành công của mô hình trồng nấm rơm trên cơ chất bông hạt là giải pháp để giải quyết việc làm hiện nay ở nông thôn, thu hút lao động nhàn rỗi tăng thu nhập cho ngư­ời nông dân. Thông qua quá trình sản xuất, các cán bộ của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã hướng dẫn cho các hộ nông dân một phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở KH&CN đánh giá những kết quả đạt được của mô hình sẽ thúc đẩy nghề trồng nấm rơm phát triển trên địa bàn tỉnh, mở mang và đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, đồng thời yêu cầu chủ nhiệm và cơ quan chủ trì tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN

More