Công nghệ plasma xử lý 330 lít nước thải chỉ tốn 1kw điện

Font size : A- A A+

Về mặt kinh tế, chi phí xử lý nước thải chỉ còn 33 đồng/lít so với khoảng 500 đồng/lít như phương pháp truyền thống.


Từ nhiều năm nay, xử lý nước thải vẫn luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Tuy nhiên, các phương pháp xử lý nước thải hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chi phí đầu tư, vận hành còn rất cao.

Từ thực trạng nói trên, sáng 26.7 Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Xu hướng ứng dụng công nghệ plasma trong xử lý nước thải”.

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức và các doanh nghiệp đang có nhu cầu xử lý nước thải.

Tại buổi báo cáo, phần trình bày của PGS.TS Trần Ngọc Đảm, thuộc phòng nghiên cứu Năng lượng và môi trường CES PLASMA về ứng dụng công nghệ plasma trong xử lý nước thải, đã gây ấn tượng rất mạnh với các đại biểu.

Tổng quan tình hình xử lý nước thải

Xử lý nước thải đang được thế giới coi là một trong những vấn đề ưu tiên giải quyết hàng đầu. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy 80% nước thải chưa qua xử lý trước khi được thải ra môi trường. “Nước thải” cũng được chọn làm chủ đề cho ngày Nước thế giới 2017.

Tại Việt Nam, những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải liên tục làm nóng dư luận. Trong đó, vấn đề xả thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn đang cực kỳ nhức nhối.

Theo công bố của GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, hơn 60% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Ngay cả ở các khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì hoạt động của các hệ thống này cũng kém hiệu quả.

Đa số các đô thị ở Việt Nam cũng chưa có nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung. Các đô thị nhỏ hầu như chưa có dự án thoát nước và xử lý nước thải.

Có nhiều phương pháp, công nghệ được sử dụng để giải quyết vấn đề xử lý nước thải. Những phương pháp được dùng phổ biến hiện nay là sử dụng vi sinh, hóa chất, màng lọc RO… Trong đó xử lý nước thải bằng công nghệ plasma là hướng nghiên cứu mới với ưu điểm có thể xử lý hoàn toàn các chất độc hại.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Đảm, xử lý nước thải bằng công nghệ plasma dựa trên nguyên tắc tạo ra môi trường có chứa các chất ôxy hóa mạnh để ôxy hóa hoàn toàn các chất hữu cơ trong nước thải. Tuy nhiên, công nghệ plasma chưa được sử dụng rộng rãi trong xử lý nước thải vì lượng điện tiêu thụ để vận hành cao, không hiệu quả về kinh tế.

Sự vượt trội của công nghệ xử lý nước thải mới 

Trình bày tại buổi báo cáo, TS Đảm cho thấy những cải tiến mới đã giúp cho việc sử dụng công nghệ plasma lạnh trong xử lý nước thải có những ưu thế vượt trội so với phương pháp truyền thống.

Phương pháp xử lý nước thải mới này cho phép xử lý 330 lít nước thải chỉ tốn 1kw điện. Về mặt kinh tế, chi phí xử lý nước thải chỉ còn 33 đồng/lít so với khoảng 500 đồng/lít như phương pháp truyền thống.

So với phương pháp xử lý truyền thống như sử dụng vi sinh AAO, phương pháp xử lý nước thải bằng Plasma còn thể hiện nhiều ưu điểm như tự động vận hành dựa trên các cảm biến, không tốn nhiều diện tích lắp đặt.

Ngoài ra, chi phí vận hành cũng được giảm thiểu rất nhiều do không cần sử dụng thêm các hóa chất. Thời gian và hiệu quả xử lý nước thải của phương pháp sử dụng công nghệ plasma cũng tỏ ra vượt trội so với phương pháp cổ điển.
 
PGS.TS Trần Ngọc Đảm và mô hình hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ plasma.
 
PGS.TS Trần Ngọc Đảm và mô hình hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ plasma.
 
Cũng theo TS Đảm, máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ plasma còn có ưu điểm thân thiện với môi trường. Trong quá trình vận hành, máy tạo ra ít các chất cặn bã và hoàn toàn đóng kín, không gây ra ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Một ưu điểm nữa được TS Đảm trình bày là nhà sản xuất có thể tùy chỉnh, thiết kế hệ thống xử lý nước thải cho phù hợp theo đặc điểm của nước thải đầu vào và nhu cầu của người sử dụng,

Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải của nhóm nghiên cứu CES PLASMA đã được phát triển thành sản phẩm thương mại xử lý nước thải cho các nhà hàng - khách sạn, các cơ sở y tế - bệnh viện và các trung tâm bảo hành, sửa chữa xe máy với mức giá 150 triệu đồng.
Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn

More