Sẽ đưa quy định nhập máy móc, thiết bị cũ vào Nghị định về Luật Quản lý ngoại thương

Font size : A- A A+

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN nghiên cứu đưa các nội dung quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương cho phù hợp thực tế.

Việc đưa quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, theo chỉ đạo Phó Thủ tướng, phải vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, hạn chế nhập máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Văn phòng Chính phủ cho biết, cuối tháng 8/2017, Bộ KH&CN đã có văn bản đề nghị việc đưa quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương.

Trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN nghiên cứu đưa các nội dung quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương cho phù hợp thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý, hạn chế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016, Bộ KH&CN đã chỉ rõ một trong những hạn chế, bất cập của ngành thời gian qua là năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực còn khoảng cách khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời quy định để kiểm soát chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ.

Được thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, Luật chuyển giao công nghệ (CGCN) năm 2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018 và thay thế Luật CGCN 2006. Luật CGCN năm 2017 quy định rõ những chính sách của nhà nước đối với hoạt động CGCN, trong đó có việc đẩy mạnh CGCN tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy CGCN trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người…

Cũng theo Luật CGCN năm 2017, cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ: không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học; tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh đó, cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao. Danh mục công nghệ cấm chuyển giao sẽ được Chính phủ ban hành.

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

More