Kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Xây dựng mô hình nuôi dê Bách Thảo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa”

Font size : A- A A+

 Ngày 22/6/2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Xây dựng mô hình nuôi dê Bách Thảo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa” do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Sản xuất kinh doanh tổng hợp Hùng Thương chủ trì thực hiện.

 

Nghề nuôi dê ở nước ta có từ lâu đời, con dê sử dụng được các loại thức ăn sẵn có, ít cạnh tranh lương thực với con người, có khả năng thích ứng rộng về khí hậu, địa hình, chăn nuôi không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư ban đầu, có khả năng sản xuất cao, tận dụng được lao động và điều kiện tự nhiên ở mọi vùng sinh thái. Giống dê Bách Thảo không cạnh tranh lương thực với con người, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, cỏ, thậm chí rơm rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác. Dê Bách Thảo tận dụng rất tốt các loại thức ăn thô xanh để chuyển hóa thành sản phẩm có giá trị. Dê cho nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế và y học. Dê Bách Thảo sinh sản nhiều con hơn các giống dê khác, tỷ lệ đẻ đôi, đẻ ba rất cao, ngay trong sản xuất củng đạt 70-75%. Dê có khả năng chịu đựng kham khổ và chống đỡ bệnh tật rất tốt, thích ứng rộng với các vùng trong cả nước.

Qua kiểm tra nhiệm vụ cho thấy, với 25 dê cái đã có 9 con sinh sản được 11 con dê con, trọng lượng trung bình 1,8 - 2,3kg, trung bình 1,2 con/lứa. Đến thời điểm hiện tại 27 dê giống và 11 con dê con sinh trưởng và phát triển bình thường, không có dấu hiệu của bệnh tật. Cơ quan chủ trì đã tiến hành tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và vắc xin tụ huyết trùng cho đàn dê theo kế hoạch tiêm phòng của UBND huyện. Tiến hành bón thúc 1,6 tấn phân chuồng và 100kg phân NPK cho 1ha cỏ VA06 làm thức ăn cho dê.

Sau khi nghe báo cáo của cơ quan chủ trì, đại diện đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cơ quan chủ trì và các cá nhân có liên quan tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo của nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra.

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình

More