Cơ hội tốt để thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Font size : A- A A+

Sáng nay 02/6, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung của Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ đang diễn ra sôi động thì đây là một Luật quan trọng.


Bên hành lang Kỳ họp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa TSKH. Nghiêm Vũ Khải, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc ban hành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đang được thảo luận?

TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Đây là cơ hội để ngành khoa học vận động, hoàn thiện chính sách đúng với chủ trương của Hiến pháp, các Nghị quyết của Trung ương, chủ trương của Nhà nước coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định để phát triển lực lượng sản xuất.

Luật Chuyển giao công nghệ cũng có tính quan trọng về mặt thời điểm, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang triển khai mạnh mẽ trên thế giới. Do đó, chúng ta phải tiếp cận và chủ động, tích cực hội nhập vào thế giới hiện đại.

Tôi có nghiên cứu chính sách ngoại giao khoa học của quốc gia khác. Họ cho rằng KH&CN là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quan hệ quốc gia, họ rất chú ý tới KH&CN và nhìn vào chính sách, thực lực KH&CN để đánh giá quốc gia này sẽ đi về đâu, phát triển thế nào.

Do đó, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta có chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực trình độ KH&CN trong nước.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng đạo luật này cần quy định rõ hơn để tránh chuyển giao công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Mục tiêu chính của đạo luật này là thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong nhân dân, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống con người. 

Đương nhiên trong nhiệm vụ chung có nhiệm vụ phải tạo ra các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh việc nhập vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, tác động có hại tới con người, môi trường, xã hội.

PV: Thưa ông, trong Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) lần này điểm gì khiến ông còn băn khoăn? Theo ông, khi đạo luật này được thông qua sẽ thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ như nào?

TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Có một số vấn đề cần phải lưu ý như cần coi trọng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; hợp tác quốc tế; vai trò xã hội, vai trò của sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cộng đồng. 

 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ đang diễn ra sôi động thì đây là một Luật quan trọng

Theo tôi, trong Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cần làm rõ hơn, quy định cụ thể hơn vai trò của doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, tập quán sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào phương thức phát triển cũ chứ không lấy KH&CN là cốt lõi để phát triển cho nên nhu cầu công nghệ thấp.

Bên cạnh đó, do chi đầu tư cho phát triển KH&CN trong nước còn thấp cho nên chúng ta chưa có nhiều sản phẩm công nghệ hoàn hảo. Thực tế, chúng ta có một số thành công như công nghệ về chế tạo vắc xin, tạo giống… Thế nhưng, đa phần những công nghệ phục vụ sản xuất hàng hóa vật chất thì chúng ta chưa có công nghệ bản địa ở trình độ cao. Đây là điểm hạn chế.

Ngoài ra, tinh thần của xã hội tôn vinh đổi mới sáng tạo, tôn vinh KH&CN còn ở mức độ thấp. Sự nghiệp KH&CN không chỉ là của những nhà khoa học, công nghệ chuyên nghiệp mà còn trong một môi trường xã hội luôn hướng đến ứng dụng phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến. 

Tôi cho rằng, luật này được thông qua sẽ đóng góp thay đổi thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy dù luật có quy định hay nhưng thực thi không tốt thì sẽ không đi vào cuộc sống. 

Ví dụ như một số điểm trong Luật KH&CN 2013 đưa ra chính sách rất tốt nhưng không cụ thể được. Tiêu biểu như Điều 46 đề xuất việc các dự án đầu tư, đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế xã hội phải có mục chi cho KH&CN tạo cơ sở luận cứ khoa học để thực hiện dự án; giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nhưng thực tế nhiều dự án, công trình quan trọng quốc gia tiêu hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng mục về KH&CN rất mờ nhạt, thậm chí không có…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn

More