Các nhà khoa học tạo ra tế bào mắt qua máy in phun

Font size : A- A A+
 Hãy tưởng tượng những người khiếm thị hiện nay có thể được chữa khỏi đơn giản bằng cách chế tạo mô mới và sử dụng nó để thay thế phần võng mạc khiếm khuyết. Hiện nay trên thế giới vẫn chưa làm được điều đó, nhưng mới đây các nhà khoa học đã đạt được bước tiến mới hướng tới mục tiêu này, nhờ nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Cambridge. Các nhà khoa học tại đây đã sử dụng thành công một máy in phun để “in” các tế bào võng mạc của chuột lên trên chất nền, mở đường cho việc tạo ta các chất liệu chữa mắt theo yêu cầu.

 

Các nhà nghiên cứu sử dụng tế bào hạch và các tế bào thần kinh đệm, từ võng mạc của chuột trưởng thành. Các tế bào hạch võng mạc chuyển tiếp thông tin từ mắt đến não bộ, trong khi các tế bào thần kinh đệm hỗ trợ và bảo vệ tế bào thần kinh. Các tế bào này bị cản lại trong chất lỏng vận chuyển (theo đợt riêng biệt, không lẫn hai loại với nhau), sau đó chúng được nạp vào tầng chứa của một máy in phun áp điện MicroFab. Từ tầng chứa, một phần dung dịch được đưa vào một mao quản thủy tinh với miệng ống được thu hẹp dưới 1 mm. Bất cứ khi nào có xung điện, các tế bào sẽ được phun ra khỏi miệng phun này.

 

Các nghiên cứu trước đây cho rằng tần số rung động của các đầu in áp điện có thể làm vỡ màng tế bào. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra đối với nghiên cứu của Đại học Cambridge, đồng thời các tế bào dường như không bị ảnh hưởng bởi tốc độ cắt và gia tốc cao trong quá trình phun. Hơn nữa, các tế bào tiếp tục biểu hiện các đặc tính phát triển bình thường sau khi in.

 

GS. Keith Martin, đồng đứng đầu dự án nghiên cứu với GS. Barbara Lorber, nói: “Chúng tôi dự định mở rộng nghiên cứu này để in các tế bào khác của võng mạc và kiểm tra xem liệu các bộ phận thụ quang nhạy sáng có thể được in thành công sử dụng công nghệ in phun hay không. Ngoài ra, chúng tôi muốn phát triển quá trình in ấn để phù hợp với các đầu in đa vòi có khả năng thương mại hóa”.


 

(Theo vista.gov.vn)

 

More