Nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: "Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh"

Font size : A- A A+

           Những năm gần đây, người dân trồng tiêu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một loại bệnh truyền qua đất là bệnh chết nhanh, trong đó tác nhân chính là nấm Phytophthora capsici. Đây là bệnh đang được xếp vào hạng nguy hiểm nhất và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất, làm giảm năng suất từ 30-70%, thậm chí lên đến 80-90%. Để giúp người dân các vùng trồng tiêu của huyện Quảng Trạch áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và cách phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN: “Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh”. Và ngày 21/8/2017 vừa qua, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ trên.

Mục tiêu nghiên cứu nhiệm vụ là đánh giá hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas, Trichoderma và phương pháp nông dân thường dùng trên cây hồ tiêu ở các xã Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch. Nhân rộng ứng dụng tiến bộ mới trong phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng hồ tiêu phù hợp trên vùng đất gò đồi cho huyện Quảng Trạch.

Sau thời gian gần 2 năm thực hiện (Từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 8 năm 2017), nhiệm vụ đã đem lại kết quả sau: Tại các điểm triển khai nghiên cứu khi sử dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas và Trichoderma đều có tỷ lệ bệnh chết nhanh thấp hơn so với sử dụng thuốc hoá học như trước đây người dân hay sử dụng. Đặc biệt hiệu lực phòng trừ bệnh của chế phẩm học Pseudomonas ở giai đoạn kinh doanh đạt cao. Sử dụng các chế phẩm sinh học trên đã cho năng suất lý thuyết và năng suất thực tế cao hơn so với vùng đối chứng. Trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ đã đề xuất đưa chế phẩm học Pseudomonas phục vụ vào việc trồng tiêu trên đất gò đồi của huyện Quảng Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

More