Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN:: “Quan trắc phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Bình năm 2020”

Font size : A- A A+

 Ngày 18/6/2021, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Quan trắc phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Bình năm 2020”, do Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm chủ trì thực hiện, chủ nhiệm là Thạc sĩ Võ Hồng Anh.

 

Khai thác chế biến, sử dụng các sa khoáng cũng dẫn đến sự làm giàu và tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ. Các nghiên cứu sự phân bố các tác nhân phóng xạ đều cho thấy, các nền địa chất có cường độ phóng xạ cao như trên nền đá macma, trên các dị thường sa khoáng ven biển (ilmenit, titan...), trên các đứt gãy kiến tạo hoặc từ các vật liệu như gạch, ngói đốt bằng loại than có độ phóng xạ cao... So với phóng xạ tự nhiên thì lượng phóng xạ do con người tạo ra là rất nhỏ.

Với mục tiêu của nhiệm vụ là quan trắc phóng xạ môi trường thông qua việc đo suất liều phóng xạ tại các điểm dọc tuyến ven biển; các vị trí xẻ núi và mỏ khai thác VLXD dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12A; các vị trí có khả năng phát sinh phóng xạ (cửa khẩu, khu công nghiệp, bãi tập kết rác thải, thu mua phế liệu, bệnh viện lớn, khu nước suối Bang…); Lấy mẫu, phân tích hoạt độ các đồng vị phóng xạ trong môi trường (đất, nước) tại một số vùng khai thác titan Sen Thủy (Lệ Thủy); khu vực khai thác đá tại Quảng Đông (Quảng Trạch), khu nước suối Bang (Lệ Thủy); Cập nhật bản đồ dạng GIS về phông phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Bình năm 2020; Đưa ra các cảnh báo và đề xuất các giải pháp về phóng xạ môi trường, phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Được thực hiện từ tháng 4/2020 đến nay, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra, cụ thể: Đo và khảo sát suất liều gamma cách mặt đất 1m tại 458 điểm và được chia ra các đối tượng như: dọc tuyến ven biển, dọc tuyến Hồ Chí Minh nhánh Đông và quốc lộ 12A, trung tâm các xã/phường/thị trấn, các điểm có nguy cơ phát sinh phóng xạ. Đặc biệt, đề tài đã tiến hành lấy mẫu và phân tích hoạt độ phóng xạ của 18 mẫu, trong đó gồm 10 mẫu đất, đá và 8 mẫu nước tại các khu vực có nguy cơ phát sinh suất liều phóng xạ cao như: mỏ titan, mỏ khai thác VLXD ở Quảng Đông, suối nước nóng Bang. Bên cạnh đó nhiệm vụ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp về phóng xạ môi trường: Nhóm giải pháp thông tin tuyên truyền; nhóm giải pháp quản lý quy hoạch; nhóm giải pháp kỹ thuật.

Việc quan trắc phóng xạ môi trường là cơ sở khoa học giúp cho việc quản lý, định hướng sử dụng đất, tài nguyên - khoáng sản, đánh giá tác động môi trường cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thông qua quan trắc tại hiện trường kết hợp với phổ biến và giải thích mức độ ảnh hưởng của phóng xạ đến người dân, góp phần tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá cao giá trị khoa học của nhiệm vụ và đóng góp nhiều ý kiến bổ sung nhằm giúp cho nhiệm vụ được hoàn thiện, đầy đủ và chính xác nhất.              

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình

More