Nâng cao hiệu quả từ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Font size : A- A A+

Cơ giới hóa là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng ruộng đất và nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi cách canh tác thủ công của nông dân... Xác định được ý nghĩa của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã có sự quan tâm, đầu tư kịp thời xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng và khuyến khích các hộ dân mua sắm phương tiện máy móc vào sản xuất trên đồng ruộng....

Vài năm trở lại đây, cơ giới hóa đang từng bước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy, các mặt hàng máy móc phục vụ sản xuất được tung ra thị trường với nhiều loại phong phú như máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Cơ giới hóa và sử sụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giải phóng được sức lao động nông dân, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm của nông sản, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Khi vào mùa vụ gieo cấy, thu hoạch, các loại máy móc đã phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo luân canh, gối vụ kịp thời, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân... Khi hỏi về những lợi ích trong việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, chị Lê Thị Liên ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: "Gia đình tôi có 03 ha lúa 02 vụ, từ khi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giúp gia đình tiết kiệm được 1/2 thời gian làm đất và thu hoạch, 20% chi phí sản xuất, năng suất tăng lên trên 15%".
 
Cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Tuy nhiên, việc cơ gới hóa ở địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ, chỉ dừng lại ở một số khâu như làm đất và thu hoạch trong việc sản xuất lúa. Ngoài một số mô hình được Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ để cơ giới hóa thì người dân vẫn phải dựa vào sức lao động để sản xuất. Đặc biệt, ở một số địa phương, việc sản xuất lúa vẫn còn diễn ra theo kiểu tay cuốc, tay cày, gặt bộ làm cho đất giảm độ phì nhiêu, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Nguyên nhân là do diện tích canh tác của mỗi hộ gia đình quá ít, ruộng lúa còn phân nhỏ lẻ, bờ vùng, bờ thửa dày đặc; công tác thủy lợi, điện, giao thông còn thiếu và yếu nên các phương tiện cơ giới khó vận hành, di chuyển và hao tốn nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Trong khi người dân tiếp cận với nguồn vốn vay còn khó khăn thì chính sách hỗ trợ đầu tư phương tiện sản xuất nhỏ giọt và chi phí mua sắm phương tiện quá lớn (từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng/máy), thời gian hoạt động của máy móc trong năm ít nên chưa thu hút được các cá nhân, đơn vị đầu tư mua sắm máy móc.

Sớm có mặt trên đồng ruộng với những tiện ích thiết thực, tuy nhiên việc cơ giới hóa chưa tạo được sự đột phá cho người dân địa phương. Yêu cầu đặt ra là phải có biện pháp để tháo gỡ những rào cản trên nhằm áp dụng cơ giới hóa một cách rộng rãi và hiệu quả trên đồng ruộng.

Để cơ giới hóa một cách đồng bộ góp phần bảo đảm thời vụ, nâng cao năng xuất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi cách canh tác của người nông dân. Hiện, tỉnh cũng đang từng bước phát triển cây lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, vì vậy, việc áp dụng và phát triển cơ giới hóa vào sản xuất lúa là điều rất cần thiết nhằm phát huy công suất hoạt động, tăng năng suất lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng lúa ở địa phương.


(Theo quangbinh.gov.vn)

More