Truy xuất nguồn gốc: Khẳng định ưu việt trong bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng

Font size : A- A A+

Vài năm trở lại đây, bên cạnh chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm an toàn, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Truy xuất nguồn gốc - ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nâng cao uy tín doanh nghiệp

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã được các cơ quan chức năng liên tục đẩy mạnh. Năm 2023 và quý 1 2024, lực lượng Quản lý Thị trường đã thanh, kiểm tra 74.719 vụ, phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 539 tỷ đồng. Riêng quý 1 năm 2024, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng phối hợp cùng doanh nghiệp kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái… việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc cũng là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, nâng cao công tác chăm sóc khách hàng chống lại các hành vi gian lận.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty An Khang Group chia sẻ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là làm đau đầu các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Doanh nghiệp vừa mất thời gian nghiên cứu, đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn đã bị làm giả.

Phân tích về vai trò của truy xuất nguồn gốc trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái và cạnh tranh thiếu lành mạnh, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng, nghiêm cấm hành vi sao chép không hợp pháp, mà còn thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm.

Đơn cử như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) gắn tem truy xuất nguồn gốc đã được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào các nước châu Âu. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), những trái vải thiều Việt Nam đã có mặt trên kệ hàng thuộc hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (Pháp).

Được đưa vào trồng ở vùng đất rừng Chí Linh (Hải Dương), cây thanh long ruột đỏ đã từng bước khẳng định thành công khi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, hướng dẫn ghi tem nên thuận tiện trong tiêu thụ. 

Nhờ áp dụng tốt biện pháp canh tác nên thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng nhanh chóng tạo được thương hiệu trên thị trường. Hiện thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch điện tử trong nước.

Đại diện Hợp tác xã Bạch Đằng cho biết: "Nhận thấy lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc, hợp tác xã đã tìm hiểu, cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn và được Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh hỗ trợ thực hiện. Vì vậy, thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã áp dụng truy xuất nguồn gốc thành công. Qua đó, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn, nhờ có tem truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm của mình đi đến đâu cũng không bị lẫn lộn với các mặt hàng kém chất lượng".

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc

Theo ông Đỗ Đình Tấn - phụ trách Phòng Nghiệp vụ và Vận hành, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR) để xác thực sản phẩm là hàng chính hãng, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị trên môi trường điện tử, Trung tâm đã xây dựng và đi vào vận hành Hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua mã QR trong thương mại điện tử.

Truy xuất nguồn gốc - tấm khiên bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, hệ thống sẽ giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp, minh bạch thông tin sản phẩm và giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng công nghệ số. Từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mình mua.

"Việc xây dựng Hệ thống xác thực hàng chính hãng trên nền thiết bị di động với hệ thống phần mềm mã QR tĩnh và mã QR động góp phần chấm dứt nỗi lo hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp qua sự hỗ trợ từ công nghệ. Phần mềm này sẽ chống mọi hình thức giả mạo, bảo vệ sản phẩm toàn diện và cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp, khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng, phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối", ông Đỗ Đình Tấn cho biết.

Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp… Hệ thống này vừa có chức năng xác thực hàng chính hãng, vừa có chức năng chống giả, công nghệ mã QR động trên hệ thống được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước…

Có thể thấy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng.

Link bài đăng: https://vietq.vn/truy-xuat-nguon-goc-khang-dinh-su-uu-viet-trong-viec-bao-ve-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-d221296.html

Nguồn: https://vietq.vn/

More