Việt Nam chế tạo thành công thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp

Font size : A- A A+

Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ KH&CN) đã chế tạo thành công Thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp (GORBIT), có chức năng phục vụ kiểm tra các đường ống dẫn

Chất lượng của thiết bị này được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA công nhận, và đặt mua cho một số nước thành viên còn chưa tự chế tạo được, trong đó có những nước có trình độ khoa học công nghệ được coi là cao hơn Việt Nam, như Thái Lan hay Pakistan.

Đây là sản phẩm của hướng nghiên cứu về hình ảnh hạt nhân tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, xuất phát từ ý tưởng của kỹ sư Nguyễn Hữu Quang, giám đốc Trung tâm về vấn đề đầu tư nghiên cứu và phát triển kỹ thuật hình ảnh hạt nhân. Với kinh phí ban đầu là 60 triệu đồng dành cho đề tài nghiên cứu cấp cơ sở này, Trung tâm tiếp tục tự đầu tư kinh phí để chế tạo, sau 3 năm đưa được vào thử nghiệm đến khâu thành phẩm. Ngày nay, giá trị của một thiết bị GORBIT trên thị trường lên tới vài chục nghìn USD.

Ông Đặng Nguyễn Thế Duy – chủ nhiệm công trình cho biết, đây là thiết bị  có cấu hình 1 nguồn – 1 đầu dò hoạt động theo nguyên lý của thế hệ thứ nhất kèm theo phần mềm dựng ảnh được xây dựng trên cơ sở 3 thuật toán tái tạo hình ảnh khác nhau: chiếu ngược có lọc, lặp đại số và tối đa hóa kỳ vọng.

Theo ông Duy, uu điểm của GORBIT là có thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt, có thể thay đổi kích thước tuỳ theo từng đối tượng cần nghiên cứu. Đặc điểm này rất có ích cho việc chụp cắt lớp các đường ống dẫn có kích thước khác nhau trong việc xác định mức độ ăn mòn thành đường ống, mức độ đóng cặn, tắc nghẽn trong quá trình vận hành và phục vụ các nhu cầu về nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, kiểm tra, kiểm định, kiểm soát hàng hóa và an ninh. Hình ảnh thu được từ thiết bị GORBIT khá nhanh chóng, có chất lượng cao nhờ đặc trưng của thiết bị và chất lượng của phần mềm tái tạo hình ảnh. Ngoài chức năng chụp cắt lớp các đường ống, thiết bị còn có thể ứng dụng để chụp cắt lớp nhiều đối tượng đa dạng khác, như các thiết bị công nghiệp có kích thước nhỏ, vật đúc, thân cây gỗ, cột công trình xây dựng, v.v…

Để chế tạo thành công GORBIT, nhóm nghiên cứu phải dựa vào sự kết hợp khá phức tạp của kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật điện tử - điều khiển tự động và lập trình máy tính. Đi kèm theo GORBIT là phần mềm dựng ảnh (iGORBIT) với 3 thuật toán tái tạo hình ảnh khác nhau cùng với các thuật toán xử lý ảnh. Chất lượng của phần mềm dựng ảnh rất quan trọng (chiếm từ 30 - 40% giá trị của thiết bị) bởi nó sẽ phục vụ cho khâu cuối cùng của công nghệ chụp cắt lớp – tái tạo hình ảnh để có được hình ảnh chính xác nhất.

IAEA đánh giá cao chất lượng và phạm vi ứng dụng của thiết bị thông qua các báo cáo của Việt Nam tại cuộc họp và các lớp huấn luyện trong khuôn khổ RCA (Hiệp định hợp tác giữa các Quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về hợp tác phát triển khoa học công nghệ hạt nhân dưới sự bảo trợ của IAEA). Theo đề nghị của một số nước và kiến nghị của hội nghị chuyên gia về đánh giá tình hình hoạt động dự án RAS 8/111 (trong khuôn khổ RCA), IAEA đã quyết định đặt mua sáu thiết bị GORBIT của Trung tâm để cung cấp cho các nước đang bắt đầu nghiên cứu về công nghệ chụp cắt lớp điện toán công nghiệp gồm: Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Philippines, Pakistan và Thái Lan.

Đây là một hình thức thúc đẩy các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân cho các nước thành viên RCA thông qua việc cung cấp thiết bị, đào tạo, huấn luyện và cam kết hợp tác, phát triển. Ngay sau khi ký kết hợp đồng mua thiết bị, IAEA đã cấp kinh phí để Trung tâm tổ chức lớp tập huấn tại Đà Lạt cho chuyên gia từ các nước nhận thiết bị.

Theo ông Duy, IAEA chọn mua thiết bị GORBIT không chỉ bởi những ưu điểm ở khâu thiết kế mà còn ở giá thành rất hợp lý trong khuôn khổ hợp tác vùng. Với sự chủ động từ 80 – 100% trong khâu chế tạo cơ khí, điện tử và điều khiển tự động nên phần mềm tái dựng ảnh có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm của nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v…

Được hỏi về định hướng của Trung tâm trong việc phát triển sản phẩm, ông Duy cho biết: “Chúng tôi không định hướng đưa sản phẩm này rộng rãi ra ngoài thị trường mà sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ để chế tạo thiết bị dạng tự hành, có chất lượng cao hơn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về khảo sát, kiểm tra, kiểm định các thiết bị và đối tượng trong công nghiệp. Thiết bị GORBIT chính là thành công bước đầu để chúng tôi có thể mạnh dạn đầy tư nghiên cứu về công nghệ và các sản phẩm liên quan đến hình ảnh hạt nhân như máy CT y tế, Gamma Camera (SPECT) y tế, máy CT/PET y tế, máy soi hành lý ở sân bay, trạm soi container ở các cửa khẩu, cảng biển…”.


(Theo Tia sáng)

More