Hội thảo Sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc dành cho các nước thuộc ASEAN

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Chiều ngày 09/9/2014, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc dành cho các nước thuộc ASEAN do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức.

 

Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, bàn cách sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ như thế nào cho hiệu quả để xây dựng thương hiệu của sản phẩm của địa phương là một chiến lược quan trọng tạo giá trị cho các sản phẩm mà trước kia chưa nhận được sự ghi nhận thích đáng.

Các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng giới thiệu cho cơ quan quản lý các địa phương, các hiệp hội, nhà sản xuất có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN như Lào, Cam-pu-chia, Myanma hệ thống đăng ký tại châu Âu và khu vực ASEAN. Hội thảo cũng là cơ hội để đại biểu các nước ASEAN được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia của châu Âu về thủ tục và kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý ở châu Âu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm địa phương đang thực sự trở thành một trong những công cụ chiến lược trong việc nâng cao uy tín, vị thế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của các nền kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới.

“Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy tổ chức, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hệ thống cơ chế bảo hộ và quản lý quyền cho một số đối tượng sở hữu trí tuệ công nghiệp mới, trong đó, đặc biệt là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản đặc thù, một trong những loại hàng hóa xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm chiến lược đặc thù và có tiềm năng xuất khẩu.”, ông Trần Hữu Nam khẳng định.

Theo bà Francesca Toso, Chuyên gia cấp cao của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ dẫn địa lý là bằng chứng để đảm bảo với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và còn là công cụ quảng bá, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm của địa phương. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm, gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao giá trị văn hóa của các vùng miền, đồng thời ngăn chặn hàng nhái, hàng giả trên thị trường.

Nước mắm Phú Quốc, sản phẩm duy nhất được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường châu Âu 

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện nay, trên thế giới có khoảng 10 nghìn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ đô la Mỹ. Khu vực ASEAN có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Tại Việt Nam mới có 38 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó chỉ có duy nhất Nước mắm Phú Quốc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường châu Âu.

(Theo most.gov.vn)

Các tin khác