Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN: " Nghiên cứu, đánh giá loài sâm bổ béo bốn nhị tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 20/4/2021, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Nghiên cứu, đánh giá loài sâm bổ béo bốn nhị tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”. Nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa chủ trì thực hiện.

Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu, đánh giá loài sâm bổ béo bốn nhị tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”

Bổ béo bốn nhị tại huyện Minh Hóa (tên địa phương: sâm béo, củ dấn) là một trong những loại cây được người dân địa phương vẫn thường xuyên sử dụng từ lâu để sắc nước uống cho các bà mẹ mới sinh, cho người gầy tăng cân, người đau ốm, suy nhược cơ thể hay dùng để ngâm rượu uống vào có tác dụng kích thích ăn ngon, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu, sinh tâm dịch. Mặc dù vậy, loài bổ béo bốn nhị mọc tự nhiên tại huyện Minh Hóa cho tới nay chưa có bất kỳ công trình nào nghiên cứu về loại cây này. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nghiên cứu về loài này còn khá khiêm tốn.

Mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu thành phần hóa học hoạt tính sinh học của loài sâm bổ béo bốn nhị (Gomphandra tetrandra (Wall.) Sleum.) tại huyện Minh Hóa nhằm hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị. Cụ thể: Phân tích thành phần hóa học có giá trị của loài sâm bổ béo bốn nhị; đánh giá hoạt tính sinh học của loài sâm bổ béo bốn nhị.

Được thực hiện từ tháng 1/2020 với đối tượng và phạm vi nghiên cứu là Loài bổ béo bốn nhị (Gomphandra tetrandra (Wall.) Sleum.) thuộc họ Vĩ Hùng (Stemonuraceae Karehed), được tìm thấy ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đến nay, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra, cụ thể: Điều tra chọn mẫu xác định tên khoa học; Nghiên cứu thành phần hóa học loại sâm bổ béo bốn nhị. Phân tích sàng lọc hóa học, xác định hàm lượng các hoạt chất chính (protein, acid amin, saponin tổng số, polysaccharidee tan trong nước), chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc hóa học 2 - 3 chất chính. Phát triển phương pháp định lượng 1 chất chính bằng phương pháp HPLC và áp dụng để phân tích chất lượng; Nghiên cứu hoạt tính sinh học của sâm bổ béo bốn nhị: Tác dụng hỗ trợ và điều trị ung thư. Tác dụng kháng khuẩn kháng nấm chống oxy hóa và hạ huyết áp.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã phân tích được các hoạt chất có giá trị của sâm bổ béo bốn nhị tại huyện Minh Hóa, là cơ sở để đánh giá chính xác giá trị dược liệu của loại bổ béo bốn nhị, đồng thời thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn cũng như có kế hoạch bảo tồn phát triển.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá cao giá trị khoa học của nhiệm vụ và đóng góp nhiều ý kiến bổ sung nhằm giúp cho nhiệm vụ được hoàn thiện, đầy đủ và chính xác nhất.                        

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

Các tin khác