Hội nghị đầu bờ dự án: Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ sau thu hoạch ngay trên đồng ruộng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ngày 15/9/2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị đầu bờ dự án:“Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ sau thu hoạch ngay trên đồng ruộng”. Dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN chủ trì thực hiện.

 Được thực hiện từ tháng 6/2013 đến nay, dự án đã tổ chức triển khai sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại 03 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp: Đại Trạch, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch; Đức Ninh, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới và Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh.
Tại các điểm triển khai mô hình, cán bộ dự án đã phối hợp với chuyên gia của cơ quan chuyển giao là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học tiến hành tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR để xử lý rơm và gốc rạ thành phân hữu cơ vi sinh cho hơn 45 hộ, hỗ trợ cho dân về nguyên vật liệu và chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế trong quá trình xây dựng mô hình.

Kết quả ứng dụng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) cho thấy, sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa khi sử dụng HCVS bón lót cho cây lúa ở ruộng lúa tại 2 công thức đối chứng và thực nghiệm trên cùng một giống lúa, điều kiện chăm sóc và sinh thái như nhau có sự khác biệt:Ruộng lúa đã được xử lý gốc rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR thân cây lúa to khỏe hơn và cao vượt trội so với cây lúa ở ruộng không xử lý từ 12-15cm, lá to, xanh, bông lúa to hơn; khả năng chống sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt hơn. Năng suất lúa bình quân tại các mô hình cao hơn so với ruộng không xử lý từ 20-30 kg/sào. Đối với cây hoa màu: Ruộng khoai lang đạt năng suất 350 kg/sào cao hơn từ 20-25 kg/sào so với ruộng đối chứng. Tại 02 ha trồng mía, cây phát triển tốt, lá xanh, dự kiến đến tháng 11 sẽ cho thu hoạch, năng suất ước tính 3,1 tấn/sào.

Việc thu gom rơm rạ sau thu hoạch và xử lý bằng chế phẩm sinh học Fito Biomix RR thành phân bón HCVS có thể sử dụng để bón lót gối vụ hoặc đánh gọn bảo quản bón cho cây lúa và các cây hoa màu vụ sau, đơn giản, dễ làm, không mất nhiều thời gian và sức lao động nhưng lại tạo ra một sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích. Đây chính là một hướng phát triển của một nền nông nghiệp xanh, bền vững và giảm hiện tượng gây ô nhiễm môi trường cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Ngọc Hải

Các tin khác